Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran - Mohsen Fakhrizadeh.

Vụ ám sát “rõ như ban ngày” nhằm vào một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran cuối tuần qua đã phủ mây đen giông tố lên toàn Trung Đông, đẩy mâu thuẫn tiềm ẩn giữa Iran với các quốc gia trong khu vực vào viễn cảnh xấu.

Vụ ám sát bài bản xảy ra ngày 27-11 tại T.P Absard, phía đông thủ đô Tehran khi một nhóm các tay súng cho nổ một chiếc xe tải trước khi xả súng vào chiếc xe chở ông Mohsen Fakhrizadeh - người được coi là “kiến trúc sư” của chương trình hạt nhân Iran. Ông Fakhrizadeh bị thương nặng và tử vong tại bệnh viện sau đó. Danh tính của những tay súng trên vẫn chưa được xác định nhưng Bộ Quốc phòng Iran xác nhận đây là một vụ ám sát và là vụ ám sát ngay trong nước.

Cho dù ai đứng sau vụ ám sát này thì rõ ràng nó đã nhằm thẳng vào hệ thống an ninh của Iran khi vụ ám sát được thực hiện cách Tehran không xa và hơn nữa nó còn cản trở các nỗ lực hạt nhân của Iran khi ông Fakhrizadeh là nhà khoa học hạt nhân có tiếng tăm. Nhìn một cách chiến lược hơn, người ta sẽ tự hỏi Iran sẽ làm gì sau hành động được coi là “khiêu khích trắng trợn” này?

Kịch bản xấu thứ nhất được tính tới là Iran có thể sẽ có các hành động trả đũa nhằm vào Israel khi nhanh chóng quy kết Nhà nước Do Thái đứng sau vụ ám sát này. Ngày 28-11, Tổng thống Iran - Hassan Rouhani chính thức lên tiếng quy trách nhiệm cho Israel đứng sau vụ tấn công này. “Lính đánh thuê Israel là những kẻ thực hiện. Sự hy sinh của ông Mohsen Fakhrizadeh sẽ không làm chậm thành tựu của chúng ta” - ông Rouhani tuyên bố. Nhà lãnh đạo Iran khẳng định nước này sẽ “báo thù” cho ông Fakhrizadeh vào một “khoảng thời gian phù hợp” chứ không hành động vội vàng. Trước đó, Lãnh tụ tối cao Iran - Ayatollah Ali Khamenei khẳng định Tehran “Cần phải trừng phạt tội ác này, trị tội hung thủ gây án cùng những kẻ chỉ đạo”. Bộ trưởng Ngoại giao Iran - Mohammad Javad Zarif viết trên trang Twitter cá nhân rằng “Nhiều chỉ dấu khẳng định vai trò của Israel trong vụ ám sát” và kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu, lên án hành động khủng bố này.

Thế nhưng, tuy mạnh mẽ lên án nhưng việc Iran tấn công trực diện Israel là điều khó có thể xảy ra, nhất là ở thời điểm này khi Iran gần như “thân cô, thế cô” ở khu vực. Với sự môi giới của Mỹ, Israel đã “làm bạn” với Bahrain rồi Tiểu các vương quốc Arab thống nhất (UAE). Vào ngày 22-11, cho dù Saudi Arabia chưa xác nhận, nhưng phía Israel đã thừa nhận có một cuộc gặp bí mật giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với Thái tử Mohammed bin Salman của nước này. Israel và Saudi Arabia chưa thiết lập quan hệ ngoại giao và đều là đối thủ của Iran. Cuộc gặp trên, với sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo, như một minh chứng cho một thế trận liên thủ giăng sẵn chờ Iran nổ súng trước. Ngoài ra, việc các nước liên thủ đề phòng Iran cũng là một bước chuẩn bị trước khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ bởi ông đã có ý sẽ đưa Mỹ quay lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ký bởi Tổng thống Barack Obama và ông Donald Trump đã mạnh tay rút bỏ.

Như vậy, kịch bản Iran tấn công Israel trực diện sẽ khó có thể xảy ra, xét cả vể thế và lực. Khả năng thứ hai là Iran có thể phát động một cuộc tập kích trực tiếp hoặc ủy nhiệm vào các lợi ích của Israel. Hồi đầu năm nay, khi tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ bên ngoài sân bay quốc tế tại thủ đô Baghdad của Iraq, Iran được cho là đã phát động cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, gây thiệt hại lớn. Thế nhưng, hệ thống phòng thủ của Israel rất tốt và một khi bị tấn công, Israel hoàn toàn có thể phản đòn ngay lập tức.

Còn một khả năng là Iran sẽ quay trở lại tiến trình làm giàu urani, phá vỡ JCPOA. Khả năng này cũng khó có thể xảy ra bởi làm vậy chẳng khác gì Iran theo chân Mỹ mà phá vỡ JCPOA, trở về vạch đích trong tiến trình hạt nhân và bị cộng đồng quốc tế cô lập.

Iran quả là rơi vào thế bí khi đang chịu ảnh hưởng bởi cấm vận kinh tế nặng nề, đại dịch Covid-19 càng khiến Iran lao đao trong bối cảnh quan hệ chính trị, ngoại giao, quân sự… như “giữa muôn trùng vây”. Cơn giông tố Trung Đông sau vụ ám sát này chỉ qua đi khi Iran giữ được cái đầu lạnh để xử lý thay vì vội vàng áp dụng các biện pháp quân sự. Trong nỗ lực này, vai trò của cộng đồng quốc tế, nhất là Liên Hợp quốc, giúp giải quyết vấn đề cũng hết sức quan trọng.

Thanh Huyền