Đập Tam Hiệp xả lũ, ngày 2/7
Không chỉ nước ta mà nhiều nước trên thế giới đang phải “gồng mình” chống chọi với hạn hán, lũ lụt rất bất thường, trong khi dịch Covid-19 vẫn không ngừng gia tăng cả về số người mắc và tử vong!
Nhất là lũ lụt ở Trung Quốc đang rất nghiêm trọng. Thông tin mới nhất, vào lúc 14 giờ ngày 26-7 theo giờ địa phương, lưu lượng nước chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp lên tới 50.000m3/giây và dự kiến sẽ đạt 60.000m3/giây vào tối cùng ngày.
Những cơn mưa xối xả kể từ tối 25-7 đã tàn phá khắp huyện Kiến Thủy, T.P Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc. Lượng mưa đạt gần 180mm, làm ảnh hưởng đến hơn 8,4 triệu người ở tỉnh An Huy, trong đó có hơn 1 triệu người phải sơ tán, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 4,5 tỷ USD.
Có phải “trời” hại?
Đương nhiên là không phải “trời” hại theo lối nói cảm tính nhuốm màu duy tâm đó. Những rõ ràng là những thảm họa đã xảy ra, cũng như những bất thường của biến đổi khí hậu đều có liên quan đến sự can thiệp thô bạo của con người.
Điển hình như ở nước ta ngập mặn và hạn hán nặng ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây càng ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân chính là do một loạt những đập thủy điện lớn, nhỏ của các nước đã chặn dòng chảy của sông Mekong.
Còn đập Tam Hiệp - công trình thủy điện khổng lồ lớn nhất thế giới hiện nay trên sông Dương Tử, Vũ Hán, Trung Quốc, nằm chặn ngang sông Trường Giang - sông dài thứ ba trên thế giới, tạo ra hồ chứa nước cũng khổng lồ đến mức chiếm toàn bộ khu vực Tam Hiệp, vị trí đập nằm giữa T.P Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc và Bồi Lăng, T.P Trùng Khánh.
Được làm từ bê tông và thép, đập có chiều dài 2.355m, đỉnh đập cao 185m trên mực nước biển. Công trình đã sử dụng 27,2 triệu mét khối bê tông, 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel), đào 102,6 triệu mét khối đất. Thành đập cao 181m so với nền đá…
Giống như nhiều đập nước đang xây dựng khác, dự án này cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong và ngoài Trung Quốc. Các ý kiến phản đối chủ yếu là do lo ngại về tương lai của 1,9 triệu người sẽ phải di chuyển chỗ ở do mực nước tăng lên, sự mất đi của nhiều địa điểm có giá trị khảo cổ học và văn hóa, cũng như các tác động đến môi trường.
Chính vì thế mà ý tưởng xây dựng đập trên sông Dương Tử tuy manh nha ngay từ trước năm 1919, nhưng hoãn đi hoãn lại mãi đến năm 1994 mới được khởi công xây dựng. Không thể nói đập Tam Hiệp không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên.
Thế là “ta hại ta” chứ không phải “trời” hại.
Huy Thiêm