Việc triển khai thí điểm BHNN theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, sau 3 năm thực hiện, BHNN đối với cây lúa, vật nuôi, thủy sản (tôm, cá) đã đạt được kết quả đáng khích lệ, với 304.017 hộ nông dân và tổ chức sản xuất tham gia thí điểm; tổng giá trị được bảo hiểm (BH) là 7.747,9 tỷ đồng; tổng số phí BH là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường BH là 712,9 tỷ đồng.
Qua quá trình triển khai thí điểm cho thấy, BHNN là giải pháp tài chính hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai BHNN mới dừng lại ở mức độ thí điểm tại một số địa bàn sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, mang tính đại diện của 20 tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước, do vậy mức độ tiếp cận BHNN của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Nếu so sánh con số 304.000 hộ trên tổng số 3,2 triệu hộ nông dân tham gia, chứng tỏ thị trường BHNN còn rất nhỏ hẹp, chưa phát triển như kỳ vọng. Ý kiến của một số chuyên gia Bộ NNPTNT cho rằng còn thiếu quá nhiều điều kiện để đưa BHNN phát triển rộng rãi. Đó là chưa có khung pháp lý rõ ràng, chưa có cơ quan giám sát độc lập hay các đầu mối quản lý BHNN... Những thiếu sót trên khiến các doanh nghiệp BH ở Việt Nam chưa mặn mà tham gia thị trường này, dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ.
Một trong những nguyên nhân khiến BHNN chưa phát triển được một phần là do hiện nay chưa có một phương pháp đánh giá nào chính xác giúp doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đánh giá rủi ro và phân định thiệt hại một cách khách quan. Để BHNN triển khai thành công đòi hỏi phải có giải pháp mang tính tổng thể từ phía Bộ Tài chính, các cơ quan ban, ngành từ T.Ư đến địa phương, và sự ủng hộ tích cực của bà con nông dân. Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp tham gia BHNN là rất cần thiết, không chỉ là cơ chế, chính sách mà còn trong nghiên cứu khoa học, đưa ra những sản phẩm mới, tạo pháp lý cho doanh nghiệp xác định rủi ro.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên cả nước đa dạng hóa các giải pháp tài chính, dễ dàng tiếp cận các sản phẩm BH để giảm thiểu các rủi ro khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ chấp thuận việc xây dựng Nghị định về BHNN áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam và thực hiện trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa DNBH và tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc triển khai BHNN trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa DNBH và tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp sẽ thúc đẩy DNBH triển khai BHNN hiệu quả, bền vững; người nông dẫn sẽ được lựa chọn DNBH và sản phẩm tham gia BH phù hợp với nhu cầu.
Căn cứ kết quả phân tích, đánh giá về những khó khăn, bất cập trong triển khai thí điểm BHNN, Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT cùng các DNBH và các địa phương đã tổ chức góp ý, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện BHNN, theo hướng: không giới hạn đối tượng được BH, không giới hạn địa bàn triển khai BHNN, thực hiện trên cơ sở tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí mua BH của ngân sách địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn bảo đảm và tập trung hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế (hộ nghèo, cận nghèo).
Dương Sơn