Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao quà Bộ Quốc phòng tặng các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”; trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu, tuyên truyền rộng trong toàn quân.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, thiết thực tri ân các đối tượng chính sách, người có công (NCC) bằng những hoạt động cụ thể, ý nghĩa.

Thấm sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị cho biết: “Thời gian qua, ngành chính sách quân đội tổ chức nghiên cứu kỹ, quán triệt sâu sắc, tuyên truyền rộng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, đặc biệt là Chỉ thị số 169-CT/QUTW ngày 29-12-2020 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, giai đoạn 2021-2025. Qua đó, bảo đảm các chế độ, chính sách được ban hành luôn đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp với tình hình nhiệm vụ của quân đội, để hoạt động công tác chính sách nói chung, hoạt động đền ơn đáp nghĩa nói riêng thấm sâu vào từng nếp nghĩ, việc làm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân”.

Cụ thể hóa chủ trương trên, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã chủ động nghiên cứu, tham gia xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng; chỉ đạo các đơn vị giải quyết nhanh chế độ chính sách cho các đối tượng được thụ hưởng; tiến độ xác lập hồ sơ NCC với cách mạng theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, đúng quy trình, đúng đối tượng; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Bộ đội Biên phòng, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thường xuyên quan tâm chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách hậu phương quân đội; hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, NCC với cách mạng, đặc biệt những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thông qua các hoạt động, nhiều phong trào, chương trình, hoạt động ý nghĩa tiếp tục được nhân rộng, như: Phong trào “Nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (hiện toàn quân nhận phụng dưỡng 1.853 Bà mẹ Việt Nam anh hùng); Chương trình “Xây tặng nhà tình nghĩa” (6 tháng đầu năm 2021, toàn quân xây dựng 80 nhà tình nghĩa, sửa chữa 10 nhà tình nghĩa, nguồn xã hội hóa 20 nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách và NCC với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng); đỡ đầu, tạo việc làm cho 130 cháu là con thương binh, liệt sĩ; tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ với 23.358 ngày công, số tiền hỗ trợ tôn tạo hơn 747 triệu đồng; tặng 31 sổ tiết kiệm, số tiền hơn 142 triệu đồng; khám, chữa bệnh cho 11.866 lượt đối tượng chính sách, cấp thuốc miễn phí, với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; tặng giống, vốn sản xuất cho đối tượng chính sách, số tiền hơn 125 triệu đồng; tổ chức đón đoàn đại biểu NCC ra thăm Bộ Quốc phòng chu đáo; hỗ trợ đối với các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng và tặng quà thương binh, bệnh binh (TBBB); đỡ đầu Làng Hữu nghị Việt Nam, thuộc Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.

Những việc làm nặng nghĩa tri ân

Trong dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Bộ Quốc phòng quyết định trích hơn 1,7 tỷ đồng từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" để thực hiện các hoạt động tri ân gia đình chính sách, NCC với cách mạng. Trên cơ sở đó, Tổng cục Chính trị đã xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; phân công rõ trách nhiệm; tổ chức thực hiện nghiêm túc; bảo đảm chu đáo, thiết thực, tránh phô trương hình thức, phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị, địa phương và tình hình diễn biến dịch Covid-19.

Vừa qua, chúng tôi có dịp tham gia đoàn công tác của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn về trao quà của Bộ Quốc phòng tặng Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh Phú Thọ và các TBBB đang điều dưỡng tại đây. Do tình hình dịch Covid-19 bùng phát, đoàn công tác được tổ chức gọn về thành phần tham gia, hình thức tổ chức nhưng vẫn ấm áp nghĩa tình tri ân sâu nặng. Trực tiếp trao quà tặng trung tâm và các đồng chí TBBB, Trung tướng Trịnh Văn Quyết cho rằng: “Món quà tuy nhỏ nhưng là tình cảm, sự tri ân, sẻ chia của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đối với những người đã cống hiến, hy sinh một phần xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”. Trung tướng Trịnh Văn Quyết xúc động vì các đồng chí TBBB đều mang trên mình thương tật nặng, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng vẫn giữ được niềm tin vào cuộc sống; với ý chí, nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ, kiên cường, bền bỉ khắc phục khó khăn, chiến thắng bệnh tật, làm nhiều công việc phù hợp với sức khỏe để ổn định cuộc sống gia đình và bản thân, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Thực hiện các hoạt động tri ân, tại xã Hà Long (Hà Trung, Thanh Hóa), xét hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn về nhà ở của ông Nguyễn Văn Đỗ, bệnh binh tỷ lệ 61% và ông Nguyễn Đình Lai, bệnh binh tỷ lệ 65%, Bộ Quốc phòng quyết định hỗ trợ mỗi gia đình 80 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa. Chung tay góp sức, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 nhận nhiệm vụ thi công xây dựng ngôi nhà. Vượt lên những khó khăn do thời tiết khắc nghiệt của mảnh đất miền Trung, sau gần 4 tháng tích cực thi công, hai ngôi nhà tình nghĩa đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các ngôi nhà được xây dựng vững chắc, có tính thẩm mỹ, với diện tích hơn 100m², phù hợp với điều kiện sinh hoạt của mỗi gia đình. “Đó là cách tri ân thiết thực nhất của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đối với các chú, các bác đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước”, Đại tá Phạm Quang Hải, Chính ủy Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 chia sẻ.

Với những hoạt động tích cực, hiệu quả nêu trên, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong quân đội đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách và NCC với cách mạng, được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

THÀNH AN