Theo chân CCB Nguyễn Thanh Hoàng (Chín Hoàng)-Trưởng Ban nhân dân ấp Tân Quy 1, chúng tôi đến tham quan vườn măng cụt của gia đình CCB Lưu Văn Nhiều, ấp Tân Quy 1.
Vườn măng cụt 2,5ha của anh đang bước vào thu hoạch chín vụ, ước tính sản lượng đến cuối vụ đạt khoảng trên dưới 20 tấn trái, tuy thấp hơn mọi năm nhưng vẫn là niềm mơ ước của nhiều vùng quê khác. Anh Nhiều trò chuyện cởi mở với tôi:

  • Ngày mới rời quân ngũ, chúng tôi ngỡ ngàng lắm. Không ngờ có mấy năm xa nhà mà quê hương đổi mới nhiều quá.
  • Làm thế nào để bộ đội kinh doanh theo kịp được bà con?-Tôi gợi hỏi.
  • Ngày xưa thì dạy vợ. Bây giờ về thì vợ dạy. Cũng nhanh thôi, CCB chúng tôi còn thành lập các tổ, như tổ ba người trong quân đội ấy, người biết hướng dẫn người chưa biết…
    Sau cả buổi đi quanh đường làng, chúng tôi ghé lại vườn chuyên canh chôm chôm Java của CCB Nguyễn Văn Chiến ở ấp Tân Quy 2, đang mùa cho trái chín rộ. Cả một vườn chôm chôm là một sắc màu rực rỡ, mát mắt trông rất dễ chịu. Bên ly trà nóng anh Chiến giải thích cho chúng tôi nghe một số đặc tính của giống chôm chôm Java. Nghe anh nói không ai nghĩ anh là một CCB mới về làm quen với cây trái vài vụ nay. Anh bảo:
  • Học thày không tày học bạn. Ngày đầu tôi cũng có biết gì đâu. Nhưng rồi mình thấy làm gì cũng phải hiểu thì mới làm đúng được, nên anh em đồng đội học hỏi, chỉ bảo cho nhau.
    Với 7 công vườn trồng chôm chôm Java và chôm chôm nhãn 20 năm tuổi, từ 4 năm, nhờ áp dụng kỹ thuật cho ra trái nghịch vụ, năng suất từ 35-40 tấn/ha/năm, sau khi trừ các loại chi gia đình anh Chiến thu về hàng trăm triệu đồng, kinh tế gia đình khá dần lên.
    Nếu để cây tự thụ phấn thì tỷ lệ đậu trái là rất thấp do trên chùm hoa không có hoa đực. Trồng chôm chôm đực có thể tăng tỷ lệ đậu trái từ 85 - 95%, và trái to hơn khi thụ phấn nhân tạo giữa chôm chôm đực và cái so với phương pháp thông thường (điều trước đây không có). Đó là cách làm của CCB Nguyễn Văn Chiến.
    Chính sự năng nỗ, chịu khó tìm tòi, thực hiện mô hình mới, có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, nên đời sống hầu hết CCB cù lao Tân Quy có nhiều chuyển biến tích cực. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Út - Phó chủ tịch UBND xã An Phú Tân phấn khởi cho biết thêm:
  • Nhiều năm qua, các chú, các anh CCB trên cù lao Tân Quy luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, cần cù sáng tạo, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau giảm nghèo và nâng cao đời sống cho hội viên, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương.
    Đến Tân Quy có thể có người biết, người không biết, nhưng chính quyền và nhân dân địa phương thì ai cũng thấy được vai trò đóng góp quan trọng của lực lượng CCB. Họ vừa biết làm giàu, vừa tham gia giữ yên cho vùng sông nước sầm uất này.
    Bài và ảnh:Nghi Phương