Té ngã là tai nạn thường gặp ở người già, nhất là ở độ tuổi trên 60. Té ngã có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe người cao tuổi. Do bị loãng xương, xương giòn và dễ gãy. Vì vậy chỉ cần một cú té ngã nhẹ cũng có thể dẫn đến gãy xương.

Gãy xương ở người cao tuổi thường gặp là gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương quay, xẹp đốt sống. Đây là những vị trí thường bị tác động do té ngã, do tác động lực nhiều nhất, như té ngồi, té đập mông, té chống bàn tay. Điều đó dẫn đến người cao tuổi đối mặt với giảm khả năng vận động, thời gian điều trị gãy xương ở người cao tuổi kéo dài dẫn đến nhiều biến chứng như: teo cơ, cứng khớp, bại liệt, viêm loét vùng tì đè, viêm phổi, viêm đường tiết niệu. Một số trường hợp ngã dẫn đến chấn thương sọ não và tử vong.

Nguyên nhân dẫn đến té ngã ở người cao tuổi như do thị lực, thính giác và phản xạ không còn nhạy bén như khi còn trẻ nên có thể bị choáng váng, chóng mặt và mất thăng bằng dẫn đến té ngã. Các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh tim mạch hoặc các vấn đề về tuyến giáp, dây thần kinh, bàn chân hoặc mạch máu có thể ảnh hưởng đến người cao tuổi và té ngã… Ngoài ra, các yếu tố ngoại sinh từ môi trường sống như sàn nhà trơn trượt, cầu thang không có tay vịn, không đủ ánh sáng khu vực sống, có chướng ngại vật…  

Để phòng tránh té ngã, người cao tuổi cần chăm sóc sức khỏe tổng thể của bản thân. Sau đây là một số lưu ý người cao tuổi nên quan tâm:

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như đạm, đường, chất béo cùng các vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp hạn chế tình trạng loãng xương, yếu cơ, cũng như các bệnh lý mạn tính ở người cao tuổi.

Tập thể dục thường xuyên: Luyện tập vừa phải, vận động vừa sức, vận động kết hợp đi bộ và thay đổi trọng tâm có tác dụng giảm nguy cơ té ngã. Luyện tập một số môn như thái cực quyền có thể phòng chống té ngã, giảm biến chứng sau té ngã.

Bố trí không gian sống an toàn: Nhà của người cao tuổi cần được bố trí đồ đạc gọn gàng, tiện lợi. Sàn nhà có độ bám tốt để chống trơn trượt, cầu thang hay nhà vệ sinh có tay vịn. Xây dựng không gian sống đầy đủ ánh sáng, nhất là các khu vực người cao tuổi hay đi lại.

Kiểm tra thị lực và thính lực: Ngay cả những thay đổi nhỏ về thị giác và thính giác cũng có thể khiến người cao tuổi bị ngã bất cứ lúc nào. Khi bạn có kính đeo mắt hoặc kính áp tròng mới, hãy dành thời gian để làm quen với chúng. Luôn đeo kính hoặc kính áp tròng khi bạn cần. Nếu dùng máy trợ thính cần điều chỉnh vừa vặn và đeo nó thường xuyên.

Đứng dậy từ từ: Đứng dậy quá nhanh có thể khiến người cao tuổi bị choáng, chao đảo dẫn đến ngã. Ngồi dậy hoặc đứng lên từ từ, tránh động tác đột ngột.

Kiểm tra các loại thuốc: Cần uống đúng loại thuốc, theo dõi các phản ứng phụ nếu có. Nếu thuốc gây buồn ngủ, choáng hay chóng mặt… cần dừng và báo bác sĩ ngay.

Sử dụng công cụ hỗ trợ: Trong trường hợp người cao tuổi cảm thấy yếu, đi lại khó khăn, cần chủ động sử dụng các công cụ hỗ trợ như gậy, khung tập, thậm chí xe lăn để đảm bảo an toàn…

Thành An