Gerald Crabtree, một nhà nghiên cứu của Đại học Stanford tại Mỹ, vừa đăng một bài báo trên tạp chí Trends in Genetics về trí tuệ của loài người. Ông cho rằng con người ngày càng trở nên thông minh hơn nhờ áp lực tiến hóa từ môi trường. Chẳng hạn, người tiền sử chỉ có thể tồn tại nếu họ săn bắt hoặc hái lượm giỏi. Vì thế họ luôn phải nghĩ cách nâng cao hiệu quả săn bắn và hái lượm. Song từ khi con người sống trong những dân cư đông đúc từ vài nghìn năm trước, áp lực đó đã biến mất.

“Sự phát triển trí tuệ của loài người có lẽ diễn ra khá nhanh khi tổ tiên của chúng ta chưa có ngôn ngữ và sống thành từng nhóm rải rác ở châu Phi. Sau khi chúng ta biết trồng cây, nuôi gia súc và sống tập trung trong các khu dân cư, trí tuệ của loài người đã phát triển chậm hơn”, Crabtree nhận định.

Khoảng 2.000 tới 5.000 gene quyết định trí tuệ người. Những gene đó rất dễ thay đổi trước những biến động của môi trường. Crabtree và các đồng nghiệp khẳng định rằng, trung bình mỗi người đã hứng chịu hai đột biến gene liên quan tới trí tuệ trong vòng 3.000 năm qua.

Giả thuyết của Crabtree vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học. Một số người lập luận rằng, trí tuệ của con người không giảm, mà chúng ta đang đa dạng hóa trí thông minh. Chẳng hạn, Thomas Hills, một nhà tâm lý của Đại học Warwick tại Mỹ, nói rằng những đột biến trong các gene quyết định trí tuệ không thể làm giảm trí thông minh. Thay vào đó, cuộc sống tiện nghi ngày nay cho phép trí thông minh của con người phân chia thành nhiều loại. Con người ngày nay có trí thông minh về ngôn ngữ, xúc cảm, cơ thể, logic, không gian, âm nhạc. Một số người còn chỉ ra rằng chỉ số thông minh trung bình của loài người đã tăng trong vòng 100 năm qua.

Tuy nhiên, Crabtree khẳng định rằng chỉ số thông minh tăng do những thành tựu trong hoạt động chăm sóc thai sản, chế độ dinh dưỡng tốt hơn và việc con người hiếm khi phải tiếp xúc với những hóa chất có hại cho não.

Quỳnh Anh (TH)