Tuy nhiên, dịch lợn tai xanh lại tiếp tục phát sinh ở hai tỉnh mới là Sóc Trăng và Kon Tum. Tại Sóc Trăng, dịch phân tán rải rác trên nhiều địa bàn, chưa có dấu hiệu lây lan; dịch ở Kon Tum ở diện hẹp.

Đáng lo ngại, tại tỉnh Long An, Khánh Hòa dịch đang diễn biến phức tạp, tiếp tục phát sinh ổ dịch mới. Như vậy, trên cả nước có 6 tỉnh có dịch lợn tai xanh là Sóc Trăng, Kon Tum, Long An, Khánh Hòa, Phú Yên, Thái Bình.

Ban chỉ đạo nhận định, nguy cơ dịch phát sinh trong thời gian tới trên địa bàn các tỉnh có dịch, vùng ổ dịch cũ và trọng điểm chăn nuôi lợn là rất cao do hoạt động chăn nuôi gia tăng phục vụ nhu cầu cuối năm.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần chỉ đạo Cục Thú y theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch tai xanh, chuẩn bị lượng vắc xin sẵn sàng đối phó với tình huống xấu khi dịch bùng phát trên diện rộng; đồng thời đề nghị các Bộ, ngành hữu quan chỉ đạo hệ thống ngành phối hợp chặt chẽ, kiên quyết ngăn chặn gia cầm nhập lậu.

Theo báo cáo của các lực lượng chức năng, trong 10 ngày qua, tình trạng nhập lậu gia cầm thải loại, gia cầm giống đã giảm đáng kể, song Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần vẫn lưu ý các cơ quan chức theo dõi chặt tình trạng nhập lậu trâu, bò qua biên giới để chủ động ngăn chặn dịch lở mồm long móng tái bùng phát trong thời gian tới.

Bảo Lâm