Không biết “máu” làm giàu có trong người CCB Nguyễn Văn Thái tự bao giờ mà ngay sau khi xuất ngũ - tháng 7-1981 hai vợ chồng anh đánh vật với 4 sào được chia ở nơi anh sinh ra, thôn Dâu, xã Cẩm Xá, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Nhưng 6 năm lao động cật lực mà kinh tế vẫn không bứt lên được! Anh nói với vợ:

- Nếu vẫn độc canh cây lúa thì không thể khá lên được.

Vợ anh chưa nói gì. Nhưng anh đã nghĩ ngay đến một hướng đi mới: Chuyển cả gia đình đi làm kinh tế mới trong Gia Lai… Nhưng đất mới làm cũng chỉ đủ ăn. Anh lại đưa vợ con trở về quê tìm hướng làm giàu. Anh trăn trở suy nghĩ, quê mình đất phì nhiêu màu mỡ, gần các khu công nghiệp, giao thông thuận tiện, vậy phải làm gì để tận dụng những thê mạnh đó. Phải tìm một nghề mới, làm ngay trên quê hương mình. Thế rồi, năm 1993, Nguyễn Văn Thái tiếp tục “khăn gói quả mướp” lên Xuân Đỉnh, Hà Nội làm mứt bí thuê, mỗi năm đi 2 lần, mỗi lần từ 2 đến 3 tháng, với mức lương chỉ có 7.000 đồng/ngày. Sau 3 năm vừa học vừa làm, với mục đích kiếm nghề về quê khởi nghiệp.

Đến năm 1997, anh bàn với vợ làm mứt bí. Vợ anh phản đối, với lý do vốn ở đâu ra; ai mua hàng? Song anh vẫn quyết tâm vay của ngân hàng 5 triệu đồng và vay anh em người nhà 7 triệu đồng nữa. Lúc này giá đường là 3.000 đồng/1kg, giá bí xanh 500 đồng/1kg. Năm đầu, anh sản xuất 5 tấn, thu mua bí trong làng, ngoài xã. Khó nhất là bán hàng vì dân chưa quen dùng và cũng chưa có mối giao bán buôn. Anh phải mời chào khách, thậm chí biếu người ta ăn thử. Người ăn thấy ngon, giá lại rẻ. Tiếng lành đồn xa khách trong và ngoài tỉnh đến mua, có những lúc không đủ hàng bán.

Thấy có đầu ra ổn định, anh quyết định mua thêm 4 máy thái bí và thuê 6 lao động về làm, nâng chất lượng  hàng, bảo đảm ngon và sạch, hình thức cũng đẹp, nên hàng bán được nhiều hơn. Anh mở rộng thu mua bí ở cả các tỉnh xa và đầu tư mua 3 máy hiện đại hơn của Đài Loan với giá 50 triệu đồng, tiêu thụ mỗi năm từ 90 đến 100 tấn bí nguyên liệu. Từ năm 2011 anh làm thêm mứt lạc. Có vốn từ bán mứt bí, mứt lạc anh đầu tư cả sang làm trang trại, dưới ao thả cá, trên bờ trồng cây… đưa tổng doanh thu mỗi năm lên hơn 3 tỷ đồng.

Bây giờ cứ đến Tết Nguyên đán, Trung thu, là khách hàng trong và ngoài tỉnh lại lại về mua mứt bí, mứt lạc cơ sở sản xuất của anh. Ai cũng bảo mứt sạch, ngon, bảo đảm vệ sinh, giá phù hợp.

 Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh Thái còn là hội viên CCB tích cực, thành viên tiêu biểu của Câu lạc bộ CCB, CQN sản xuất kinh doanh của  địa phương. Tận mắt nhìn thấy những gì anh làm, tôi thật tự hào về anh, người lính Bộ đội Cụ Hồ đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước, nay trở về với đời thường vẫn dốc sức, dốc lòng lao động làm giàu cho gia đình và quê hương.

Tô Hùng Thái