(Trận không chiến ngày 16-9-1967)

Đã lùi vão dĩ vãng tròn 56 năm, nhưng trận không chiến vào buổi trưa ngày 16-9-1967 vẫn hiển hiện thật sống động đối với những CCB Trung đoàn Không quân 921; bởi đó là trận đánh được chỉ huy chặt chẽ, chính xác; phi công đánh xuất sắc, hai MiG-21 diệt gọn tốp hai máy bay trinh sát vũ trang RF-101 của Mỹ.

Sáng sớm ngày 16-9-1967, không quân Mỹ tiến hành đánh phá một số mục tiêu khu vực ga Đa Phúc, khu vực bắc và đông bắc Thái Nguyên. Bộ Tư lệnh Không quân đã cho một biên đội MiG-21 xuất kích; nhưng khi phát hiện MiG, máy bay Mỹ bay ra, hai bên không giao chiến. Phán đoán, không quân Mỹ sẽ tổ chức trinh sát kết quả trận đánh vừa rồi, nên Bộ Tư lệnh Không quân yêu cầu Trung đoàn 921 tổ chức trực chiến đấu, sẵn sàng đánh máy bay trinh sát của địch.

Lúc 10 giờ 45 phút, được báo cáo ra đa phát hiện mục tiêu từ hướng Sầm Nưa (Lào) bay vào, Sở Chỉ huy Không quân, do Phó Tư lệnh Đào Đình Luyện trực chỉ huy, lệnh cho biên đội hai chiếc trực chiến là Nguyễn Ngọc Độ (số 1) và Pham Thanh Ngân (số 2) vào cấp 1, mở máy đợi cất cánh. Nhưng khi biên đội chuẩn bị lăn ra cất cánh, thì Sở Chỉ huy phát lệnh dừng lại, vì cho rằng lúc này cất cánh đã muộn và đối phương sẽ dễ phát hiện ý đồ ta đánh trinh sát.

Đến 11 giờ, khi ra đa bắt được 2 chiếc RF-101 vòng trái, bay về hướng 360 độ, Sở chỉ huy lệnh cho biên đội mở máy, cất cánh. Do nắm chắc quy luật và ý đồ của đối phương, Sở chỉ huy đã phán đoán chính xác đường bay mà 2 chiếc RF-101 sẽ bay qua, để dẫn Biên đội của Phạm Thanh Ngân và Nguyễn Ngọc Độ vào vị trí thận lợi ở khu vực Thanh Sơn (Phú Thọ) giáp Nghĩa Lộ, để công kích.

Lúc 11 giờ 14 phút, Biên đội phát hiện 2 chiếc RF-101 ở cự ly 8km, tốc độ khoảng 950km/giờ, độ cao 5.500m. Theo tài liệu sau này nghiên cứu thêm cho biết đây là biên đội 2 chiếc RF-101 thuộc Phi đoàn trinh sát vũ trang 20, Không đoàn 432 bay vào trinh sát, chụp ảnh đoạn đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai. Hai chiếc RF-101 bay theo đội hình bậc thang, cách nhau 300m; sau khi quan sát, chụp ảnh xong, đang bay ra ở độ cao 8.000m. Trong khi đó, biên đội 2 chiếc MiG-21 của ta ở độ cao 6.000m đã bí mật bám sát đội hình máy bay địch.

Rút kinh nghiệm một vài trận đánh trước đó, trong trận nay, biên đội đã bàn bạc và thống nhất, số 1 Nguyễn Ngọc Độ sẽ tấn công chiếc số 2 của địch và tạo điều kiện để số 2 Phạm Thanh Ngân tấn công chiếc RF-101 số 1. Như đã phân công, Nguyễn Ngọc Độ chiếm vị trí công kích và phóng tên lửa ở cự ly 1.500m; chiếc RF-101 trúng tên lửa bốc cháy. Tên giặc lái kịp nhảy dù.

Trong khi đó, số 2 Phạm Thanh Ngân nhanh chóng áp sát chiếc RF-101 số 1, đưa mục tiêu vào vòng ngắm. Đến cự ly tối ưu, số 2 Phạm Thanh Ngân ấn nút phóng tên lửa R-3S. Cự ly gần, quả tên lửa găm đúng mục tiêu, chiếc RF-101 rơi tại chỗ. Giặc lái đã kịp nhảy dù.

Sau khi bắn hạ mục tiêu, biên đội Nguyễn Ngọc Độ và Phạm Thanh Ngân nhanh chóng trở về sân bay hạ cánh an toàn. Đây là trận đầu tiên mà Trung đoàn không quân tiêm kích 921 sử dụng biên đội hai chiếc MiG-21 bắn hạ gọn cả tốp RF-101 hai chiếc.

Theo giới học giả quân sự Mỹ, thì ngày 16-9-1967 là ngày tồi tệ đối với lực lượng trinh sát vũ trang của không quân Mỹ. Và đây cũng là giai đoạn mà Bộ Tư lệnh Không quân nhân dân Việt Nam nắm chắc quy luật hoạt động của các máy bay trinh sát vũ trang của Mỹ, để kịp thời tung các phi công vào chiến đấu đạt hiệu quả cao.

Với giặc lái Mỹ bị bắn hạ trong trận ngày 16-9-1967, qua tài liệu nghiên cứu say này, thì viên phi công lái chiếc RF-101 bị Nguyễn Ngọc Độ bắn hạ, kịp nhảy dù là Đại úy R.E Patterson thuộc Phi đoàn trinh sát chiến thuật số 20 Không đoàn 432. Patterson được xem là phi công rất may mắn, bởi trước đó, trong trận ngày 21-6-1967, máy bay do ông ta điều khiển cũng đã bị ta bắn rơi, nhưng đã kịp nhảy dù và được trực thăng của Mỹ cứu thoát. Lần này, Patterson nhảy dù xuống khu vực giáp biên giới Việt - Lào và cũng được trực thăng của đồng bọn cứu thoát. Còn viên phi công điều khiển chiếc RF-101 bị phi công Phạm Thanh Ngân bắn rơi là Thiếu tá Bobby Ray Bagley, thuộc Phi đoàn trinh sát chiến thuật số 20. Thiếu tá Bagley kịp nhảy dù và đã bị bắt ở địa bàn tây nam Yên Bái. Bagley đã được ta trao trả cho phía Mỹ theo quy định của Hiệp định Paris.

Việt Hưng