Một FTA sâu rộng, toàn diện
Sau 5 năm đàm phán, ngày 5-10-2015, tại TP. Atlanta (Hoa Kỳ), Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng đối với hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới này.
TPP được đàm phán từ tháng 3-2010, gồm 12 quốc gia: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Các vấn đề nằm trong phạm vi của Hiệp định gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp... Bao gồm 30 chương và cam kết mở cửa trên 20 lĩnh vực khác nhau với phạm vi và mức độ sâu rộng hơn so với các FTA thông thường, TPP là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Văn kiện này còn cần nhận được sự phê chuẩn của Chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.
Nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng hoan nghênh việc kết thúc đàm phán TPP. Mặt khác, ngay tại Hoa Kỳ, nhiều chính giới kể cả một số thành viên đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama đã phản đối TPP, cho rằng hiệp định này sẽ khiến người lao động Hoa Kỳ mất việc làm và làm suy yếu các quy định pháp luật về môi trường.

Việt Nam: cơ hội nhiều,thách thức lớn
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), Việt Nam sẽ là nước được “hưởng lợi” nhiều nhất từ TPP, có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất (13,6% và 31,7%) trong 12 quốc gia TPP.GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút công nghệ cao từ dòng vốn đầu tư của các nước phát triển trong TPP vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Tham gia TPP sẽ giúp tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Trước hết, đó là thách thức từ sức ép cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nhiệp, nhất là chăn nuôi do thua kém về vốn, con giống, điều kiện nuôi nhốt, thức ăn gia súc, đầu ra... Thứ hai, các tiêu chuẩn cao của TPP về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý của nước ta hiện còn khá cồng kềnh, quan liêu. Thứ ba, về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ, thậm chí phá sản, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận người lao động sẽ xảy ra.
Thách thức lớn nhất, việc thực thi TPP theo yêu cầu của các đối tác sẽ đặt Nhà nước ta ở trạng thái gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các mối quan hệ đối nội, đối ngoại, QP-AN, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. Quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới nếu diễn ra “bằng mọi giá”, hướng theo thị trường tự do cực đoan, nếu nền kinh tế Nhà nước không khẳng định được vai trò chủ đạo, sẽ dễ dẫn đến giảm thiểu, loại bỏ vai trò lãnh đạo kinh tế của Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN.
Hội nhập kinh tế quốc tế đang là xu thế nổi trội hiện nay và là nhu cầu khách quan nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và rút ngắn quá trình CNH-HĐH. Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, khắc phục những nhược điểm còn tồn tại, yếu kém về thể chế, thống nhất cao trong quá trình thực hiện… nhằm tận dụng những thời cơ TPP mang lại, đồng thời tránh nguy cơ bị thua thiệt và bị phụ thuộc các nước về kinh tế, từ đó sẽ lệ thuộc về chính trị.
Nguyễn Đăng Song