Thời gian chiến đấu ở Tây Nguyên, Tiểu đoàn luôn được trú chân trong những rừng cà phê xanh ngắt. Có khi thiếu muối, thiếu gạo, cán bộ chiến sĩ phải ăn quả cà phê với cháo loãng qua ngày. Thế là tôi bắt đầu viết về Tổ cắt rào của Đại đội (những người đi trước các trận đánh của Bộ đội Đặc công) và lấy tên là “Hoa cà phê”. Tổ có 4 người, Hùng tổ trưởng và 3 chiến sĩ Hải, Luyện và Khang. Tuy mỗi người một quê hương, một hoàn cảnh gia đình, một tính cách nhưng đều chung phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng hi sinh vì nhiệm vụ. Hùng bị thương trong lúc trận đánh thứ nhất diễn ra ác liệt nhất. Khang hi sinh trong trận đánh thứ hai. Hải bị thương và bị địch bắt cùng với Luyện khi rút lui ra cửa mở. Nhưng Luyện do địch bỏ quên nên còn sống, Hải hi sinh trên đường địch rút chạy.
Tôi đã bí mật viết trong những giờ nghỉ trưa, những ngày nghỉ ra rừng tựa lưng vào gốc cây cà phê, viết trong ca gác đêm khi đã vào thành phố. Ban đầu tôi viết vào cuốn sổ tay nhỏ; hết giấy tôi xin đồng đội rồi viết cả vào những vỏ bao thuốc lá. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi tìm được mấy tập giấy kẻ ngang chiến lợi phẩm và chép lại từ đầu. Viết xong tôi đọc cho những người thân thích cùng nghe, ai cũng khen hay và giục tôi gửi đi cho một tờ báo nào đó. Nhưng tôi ngại, bèn cất vào ba lô, thỉnh thoảng lại mang ra đọc. Năm 1977, đơn vị tôi ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, được đón lớp viết văn của Trường Nguyễn Du do nhà văn Hồ Phương phụ trách. Tôi mạnh dạn nhờ ông xem hộ “Hoa cà phê”. Sau một đêm, nhà văn Hồ Phương khen tôi biết quan sát, viết được và có năng khiếu. Ông đề nghị cho ông mang “Hoa cà phê” ra Hà Nội. Tôi không ngờ tác phẩm đầu tay này của mình được in chung trong cuốn “Tầm vóc mùa xuân” do Nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 1978.
Mãi đến cuối năm 1987, khi tôi đã là cán bộ của Trung đoàn 757, Sư đoàn 301, Quân khu Thủ đô và học xong lớp trung cấp lý luận chính trị về đến Sư đoàn thì đồng chí Trưởng ban Cán bộ gặp riêng rồi cho biết: Đồng chí không về 757 nữa mà sang Ban Tuyên huấn viết sử cho Sư đoàn. Khi tôi trình bày chưa bào giờ viết sử sách gì, thì Trưởng ban cán bộ giải thích: anh em phát hiện tôi đã viết chuyện “Hoa cà phê” in thành sách rồi nên sẽ viết sử được. Thế là tôi về tổ Viết sử. Tổ có 3 anh em, được Phòng Khoa học và Lịch sử quân sự Quân khu bồi dưỡng một tuần rồi về sưu tầm tư liệu và viết. Tháng 1-1989, cuốn “Sư đoàn 301 Quân khu Thủ đô” ra mắt bạn đọc với gần 300 trang đúng như mong đợi của đơn vị. Sau đó khi gặp những gương điển hình tiên tiến của cá nhân và tập thể tôi lại viết để tri ân đồng đội và gửi cho các báo QĐND, Hà Nội mới và nhiều báo khác. Từ cuối năm 2001, tôi chuyển sang làm báo chuyên nghiệp, được làm việc dưới quyền các nhà báo, nhà văn lão thành Trần Văn Phác, Đỗ Xuân Lộc, Tạ Hữu Yên; được quen biết nhiều nhà báo đàn anh như Nguyễn Gia Quý, Nhật Lệ, Ngô Vĩnh Bình… Tôi tự học tập, trau dồi thêm nghiệp vụ.
Nhiều lúc tôi băn khoăn tự hỏi: tôi đã chọn nghề báo hay nghề báo đã chủ động chọn tôi mà không thể nào trả lời được. Tôi chỉ biết rằng tôi viết báo bắt đầu từ xúc động, trân trọng sự hi sinh của đồng đội. Với tôi, làm báo là một sự lao động nhọc nhằn và không ngừng nghỉ.
Bài và ảnh: Xương Giang