Theo thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Từ năm 1992 chính sách BHYT chính thức được triển khai. Nếu như năm 1993 có 3,79 triệu người tham gia BHYT thì đến năm 2014, cả nước có 64 triệu người tham gia BHYT, chiếm hơn 70% dân số và dự tính con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2015, khi Luật BHYT sửa đổi được áp dụng. Tuy nhiên kết quả thu được lại hoàn toàn trái ngược. Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 31-3-2015, số đối tượng tham gia BHYT là 63.157.544 người, giảm 1,4 triệu người so với cuối năm 2014. Kể từ khi chính sách BHYT được thực thi, đây là lần đầu xảy ra hiện tượng số người mua bảo hiểm sụt giảm trên diện rộng!
Vậy nguyên nhân từ đâu? Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân đầu tiên của việc giảm đối tượng tham gia BHYT là các địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo, một số xã không thuộc danh mục các xã khó khăn theo nên không được ngân sách nhà nước mua BHYT, do đó số lượng người tham gia BHYT thuộc đối tượng ngân sách nhà nước hỗ trợ giảm đi. Tương tự như vậy, một số địa phương có số đối tượng cận nghèo tham gia BHYT cũng giảm đi. …Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cũng có một nguyên nhân nữa là từ thủ tục phiền hà, rắc rối gây khó cho nhiều đối tượng khi mua BHYT hình thức hộ gia đình theo Luật BHYT sửa đổi. Nếu theo quy định trước đây, mọi người đều phải đóng BHYT cùng một mức bằng 4,5% mức lương cơ sở, thì theo Luật BHYT sửa đổi, mức đóng của hộ gia đình sẽ giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Nếu người thứ nhất của hộ gia đình đóng BHYT tối đa bằng 6% mức lương cơ sở thì người thứ hai, thứ ba, thứ tư chỉ phải đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Lợi ích thế nhưng vẫn có một số bất cập khiến nhiều người dân không muốn mua BHYT hộ gia đình, dù vẫn có nhu cầu hoặc khó có thể mua được. Để được mua BHYT theo hộ gia đình, người dân phải mang theo rất nhiều giấy tờ như: sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình, kèm bản sao chụp các loại giấy tờ trên. Rắc rối phát sinh ở chỗ: nếu thành viên trong gia đình đang làm ăn xa, công tác nước ngoài... đại diện hộ gia đình phải có giấy tờ chứng minh sự vắng mặt, cũng như phải giải trình tình trạng mua BHYT hiện thời của các thành viên. Nhưng trường hợp gia đình có người nhà tạm thời đi làm nơi khác, chỗ ở không ổn định, thì biết chứng minh bằng cách nào? Hoặc nữa, trường hợp vợ chồng đã ly hôn nhưng chưa tách khẩu, thì việc mua BHYT giải quyết ra sao? Đối với các khu nhà trọ, tình hình còn phức tạp hơn… Ngay cả người làm thủ tục bán BHYT cũng lúng túng vì văn bản hướng dẫn áp dụng Luật BHYT sửa đổi thiếu cụ thể.
Sau khi gặp nhiều khó khăn trong triển khai, loại hình BHYT hộ gia đình tạm lùi thời gian thực hiện đến ngày 1-1-2016 và sẽ có văn bản chi tiết hơn xem xét điều chỉnh. Để có những thay đổi theo hướng tích cực, bên cạnh việc các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, giúp người dân dễ dàng mua BHYT, còn cần tới cả sự thay đổi nhận thức của chính người dân.
Dương Sơn