Ngay khi ra mắt, cuốn “Miền hoang” (NXB Trẻ) của nhà văn, Đại tá quân đội Sương Nguyệt Minh đã gây sự chú ý của độc giả bởi cách nhìn táo bạo, mới mẻ về một cuộc chiến của quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Cam-pu-chia hơn 30 năm trước. Vì thế, cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn từng giành nhiều giải thưởng về truyện ngắn này đã trở thành nội dung của cuộc tọa đàm "Nhà văn Sương Nguyệt Minh với tiểu thuyết “Miền hoang” do Trường đại học Văn hóa Hà Nội và NXB Trẻ tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, nhân dịp 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12), với sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà phê bình trong và ngoài quân đội, những cây bút từng thành công ở đề tài chiến tranh.
“Miền hoang" phản ánh câu chuyện của 4 nhân vật trong cuộc chiến tranh khốc liệt giữa Việt Nam và tàn quân Pôn Pôốt trong một vùng rừng hoang ở tây bắc Cam-pu-chia. Nhân vật xuyên suốt là Tùng, người lính tình nguyện lạc trong rừng bị tàn quân Pôn Pốt bắt làm tù binh, nhưng không giết mà để anh cõng tên chỉ huy bị thương; cô y tá câm (câm do bị đồng bọn hiếp dâm tập thể); Lục Thum-Trung đoàn trưởng và tên lính Khơ-me đỏ. Những tình tiết, những câu chuyện, những sự việc tàn khốc, bi thảm hay trận chiến hào hùng, đều đi từ chất liệu cuộc sống mà tác giả và đồng đội anh đã trải, được Sương Nguyệt Minh viết với tâm thế chân thành, nên tính chân thực rất rõ. Bốn nhân vật là kẻ thù của nhau nhưng lại tựa vào nhau mà sống trong cuộc lạc rừng. Họ như những kẻ từ xã hội loài người bước vào xã hội muông thú, khi giữa rừng hoang mênh mông, vừa phải ủ mưu, tính kế chống cự lẫn nhau, tìm cơ hội thoát ra khỏi rừng, vừa phải chống cả ác thú… Cuốn sách đã để lại sự ám ảnh dữ dội khi kết thúc với hình ảnh người lính rời khỏi rừng chỉ còn lại một mình.
Người “đỡ đầu” cho “Miền hoang”, nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, biên tập của NXB Trẻ không giấu được xúc động: Tôi từng có gần 10 năm sống, chiến đấu ở Cam-pu-chia và hồi ức về những năm tháng đã qua ấy đã sống lại trong tôi với sự dẫn dắt từ những trang viết của “Miền hoang”. Viết về cuộc chiến ở Cam-pu-chia là điều vô cùng khó, nhưng “Miền hoang” đã chinh phục chúng tôi khi viết về chiến tranh, nhưng cuốn sách gần như không có chiến tranh, mà chỉ là hồi ức về chiến tranh, còn chủ yếu, tác giả đi sâu về những số phận con người. Đặc biệt, cuốn sách gây sự bất ngờ khi người lính tình nguyện xuất hiện với tư cách một tù binh không giam giữ từ một trận đánh hoang dã và anh kể chuyện không phải bằng ký ức của mình mà bằng ký ức về quê hương. Ở đây còn có một nhân vật “người rừng” mà dù tác giả nói ít nhưng lại rất đậm nét, là đã khắc một dấu ấn khi nói về cuộc chiến tranh Cam-pu-chia có hơi hướng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 17-2-1979. Việc để cho gã “người rừng” chết đi vì bị tên lính áo đen thủ tiêu như là để cuộc chiến ấy chết đi. Có thể nói, Sương Nguyệt Minh đã đặt dấu ấn sâu sắc ở thể loại tiểu thuyết với “Miền hoang”. Tôi đồng cảm với tác giả rằng, cuộc chiến đã qua phải được viết lại dưới hình thức này hoặc hình thức khác, không nhằm đề cao sức mạnh nào cả, mà chỉ đề cao tính văn hóa và tính nhân đạo của mỗi người tham gia cuộc chiến đó.
Là một nhà văn từng cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, từng giành giải thưởng với những tác phẩm viết về chiến tranh, nhà văn Nguyễn Văn Thọ bày tỏ cảm xúc sững sờ của ông khi đọc “Miền hoang”: Sự khốc liệt, dữ dội và ám ảnh về cuộc chiến mà tác phẩm đã lột tả một cách chân thực, đủ để người đọc thấy rằng, mỗi trang viết của Sương Nguyệt Minh như được viết bằng máu của đồng đội và của chính anh. Vốn là một nhà văn đầy kinh nghiệm trong viết truyện ngắn, nên việc sử dụng chi tiết của Sương Nguyệt Minh rất đắt, cùng sự xâu chuỗi chi tiết tài tình đã cuốn hút người đọc trong từng trang viết. Tác giả cũng xử lý tài tình thi pháp tiểu thuyết và tổ chức dựng chuyện nhuần nhuyễn, mang lại sắc thái người lính, không khí chiến trường trong từng câu chữ. Với toàn bộ câu chuyện trong cuốn sách hơn 600 trang, “Miền hoang” quả mang tầm vóc, tính tư tưởng không nhỏ.
Mặc dù nhà văn Sương Nguyệt Minh mong muốn được nghe không chỉ những lời khen, mà cả các ý kiến phê bình nghiêm túc và “Miền hoang” đã được các nhà văn “mổ xẻ”, nhưng các ý kiến trao đổi đều thống nhất đó là cuốn sách về chiến tranh chân thật, lôi cuốn và rất đáng đọc. Có lẽ, những chi tiết đầy tính chân thật, bởi được viết từ những ám ảnh của chính tác giả Sương Nguyệt Minh, khi anh cũng từng là “người lính lạc rừng lang thang đói khát, mặt quắt như ngón tay chéo ở những cánh rừng Cam-pu-chia”. Bởi vậy, dấu ấn của một thế hệ, một cuộc chiến tranh tàn khốc là không bao giờ phai nhòa với chính những người tham gia và càng không xa lạ với thế hệ sau. Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã đi vào một đề tài mới có rất ít tác phẩm chạm tới và thành công lại càng hiếm. Tiểu thuyết “Miền hoang” đầy ắp các chi tiết nghệ thuật và hiện thực trần trụi nghiệt ngã, nhưng cũng nhiều chi tiết lãng mạn làm mềm lòng người. Đặc biệt, tính nhân văn trong tiểu thuyết “Miền hoang” vẫn được thể hiện trong cả những chi tiết dữ dội và khốc liệt, khi mang đến niềm tin về sức sống mãnh liệt của con người, về khát vọng sống an lành, hòa bình.
Bài và ảnh: Thanh Hằng