CCB Ngô Tuấn Mạnh (thứ hai, phải sang) giới thiệu các công đoạn chế biến chè.

“Bình Yên Trà” là nhãn hiệu đầu tiên lấy tên địa danh đặt cho sản phẩm chè xanh được sản xuất tại xã Bình Yên (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè Tân Yên do CCB Ngô Tuấn Mạnh làm Tổ trưởng bước đầu có 11 thành viên, trong đó có 4 hội viên CCB.

Trên cơ sở có sẵn vùng nguyên liệu trồng chè khoảng 30ha, xã Bình Yên có chủ trương phát triển mô hình Tổ hợp tác sản xuất chế biến chè Tân Yên, hướng tới đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Việc tập hợp một số hộ dân cùng tham gia Tổ hợp tác sẽ giúp thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ ở các hộ gia đình sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, tạo điều kiện để các hội viên hợp tác nâng cao quy trình kỹ thuật, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất.

Đồng chí Bùi Xuân Mừng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Bà con ở đây chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay... Hướng phát triển kinh tế tập thể ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, phát huy tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh,  thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Sau hiệu quả của mô hình HTX nấm sạch, xã tiếp tục hướng đến phát triển cây chè và các sản phẩm trà có chất lượng để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân”.

Hiện nay, Tổ hợp tác được trang bị một số máy móc, thiết bị phục vụ sơ chế, đóng gói như: Máy sao chè, máy vò chè, máy hút chân không, máy làm đất, máy làm cỏ... Sản phẩm được kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác...

Mời khách tham quan chèn chè trong xanh, vị ngọt hậu, mùi thơm đậm đà, CCB Ngô Tuấn Mạnh phấn khởi nói: “Sản xuất chè an toàn theo quy trình tiêu chuẩn, bà con thấy rất an tâm từ khâu chăm bón, thu hái, giá trị chè thành phẩm cũng được nâng lên. Mỗi ngày, Tổ hợp tác sản xuất được 1 tạ chè khô, bán với giá trung bình 110.000 đồng/kg. Ban đầu, chúng tôi còn nhiều khó khăn do chưa chủ động được đầu ra, nhưng hi vọng thời gian tới “Bình Yên Trà” sẽ được thẩm định và biết đến nhiều hơn”.

Đồng hành cùng với sự nỗ lực, cố gắng của người trồng chè, cần có những chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới, góp phần quan trọng để địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

MỘC MIÊN