Dù đã 68 tuổi, nhưng CCB Lê Văn Trong ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, thành viên CLB CCB sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Hậu Gang, vượt khó vươn lên từ nghề đan lục bình, từng bước xây dựng lòng tin và uy tín.

Anh kể: “Thời gian đầu, vợ chồng tôi lênh đênh trên các con sông cắt lục bình tươi bán cho thương lái, mỗi ngày được 20.000-30.000 đồng là quý lắm rồi. Sau này, được chỉ dẫn, tôi mới biết chỗ cung cấp khuôn đan lục bình bán ở Kiên Giang, tìm đến chủ cơ sở cũng chỉ bán cho 100 khuôn thôi nên mỗi tuần phải đi lấy 1 lần”.

Không quản ngại khó khăn vất vả, vợ chồng anh vẫn kiên trì bám nghề. Đến năm 2012, trải qua các vòng vay vốn hộ nghèo, rồi hộ cận nghèo, anh chính thức thoát nghèo bền vững. Năm 2013, anh thành lập Tổ hợp tác (THT) đan lục bình xã Vĩnh Viễn A, vận động bà con học nghề cùng làm. Đến nay, THT tạo việc làm cho trên 400 lao động điạ phương, với thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/người/tháng.

“Hiện THT tạo việc làm cho trên 400 lao động điạ phương, đan các sản phẩm tấm xếp xoắn lục bình, chậu hoa, giỏ xách, hộp, sọt rác, thảm... Để tạo điều kiện cho người lao động làm nghề, THT mang nguyên liệu, bộ khung đến tận nhà, sau khi thợ làm ra thành phẩm thì Tổ đến thu nhận và trả tiền sản phẩm. Tùy theo kích thước sản phẩm, giá tiền công từ 8.000-20.000 đồng/sản phẩm, thợ giỏi thì làm ra 20 sản phẩm/ngày, thợ lớn tuổi thì trên 10 sản phẩm/ngày, có thu nhập bình quân khoảng 2-3 triệu đồng/người/tháng. Đó là chưa kể anh còn tạo việc làm cho hơn chục hộ gia đình cắt, phơi lục bình nguyên liệu. Để mở rộng nghề đan lát, THT thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề hoặc đến các xã, ấp lân cận hướng dẫn bà con có nhu cầu học nghề đan lát”.

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề đan lát giỏ lục bình THT đan lục bình xã Vĩnh Viễn A tổ chức, chị Nguyễn Kim Thanh ở ấp 7 đã có thêm việc làm những lúc nhàn rỗi, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Chị cho biết: “Kinh tế gia đình chủ yếu sản xuất nông nghiệp kết hợp; trong thời gian nông nhàn chị nhận nguyên liệu lục bình đan giỏ về nhà những lúc rảnh rỗi, bình quân ngày chị đan được từ 6-8 sản phẩm lục bình, thu nhập từ 100.000-120.000 đồng/ngày. Mặc dù nghề đan lát thu nhập không nhiều nhưng có việc làm lúc nhàn rỗi, giúp các chị có thời gian chăm lo gia đình và đưa rước các con đi học, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Ông Chiêm Hữu Phước - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A cho biết:“Để giúp người dân nông thôn có thu nhập, góp phần giảm nghèo, những năm qua THT Vĩnh Viễn A phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Ngoài ra, ông Trọng còn là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn để hỗ trợ người nghèo có vốn phát triển sản xuất... Với vai trò là hội viên CCB, ông Trong luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi và từ thiện xã hội. Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của ông đã góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa phong trào “Thi đua yêu nước” ngày càng thực chất, có sức lan tỏa trong cộng đồng”.

                                                                 Thanh Phận