PV Báo CCB Việt Nam trao đổi với bà Thái Thị Cương, 79 tuổi, nguyên Đại đội phó Đại đội 554 TNXP, hiện sinh sống tại phường Thạch Linh, T.P Hà Tĩnh.

53 năm, khoảng thời gian của hơn nửa đời người, đủ dài cho một gia đình có thêm hai thế hệ, vậy mà bà Lê Thị Hương ở thôn Vạn Phúc, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vẫn không làm xong một việc: Đó là đi đòi chính sách công nhận liệt sĩ cho người anh trai.

Mười tám tuổi, anh Trần Văn Hoan sinh năm 1947 tại xã Đức Trường (nay là xã Trường Sơn) huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường tham gia công cuộc chống Mỹ cứu nước và anh được biên chế vào Tiểu đội 4, Đại đội 554 - N55 - P18, Thanh niên xung phong Hà Tĩnh. Gần 2 năm làm công tác đảm bảo giao thông, Trần Văn Hoan cùng đồng đội tham gia hàng trăm trận phục vụ chiến đấu như san lấp hố bom, làm trận địa pháo, vận chuyển hàng hóa ra mặt trận…

Những nhân chứng sống nói gì?

Chúng tôi đã đi tìm đến những người đồng đội từng phục vụ chiến đấu tại tuyến đường ác liệt nổi tiếng Khe Giao - Đồng Lộc và may mắn được gặp bà Thái Thị Cương, người Đại đội phó Đại đội 554 trực tiếp chỉ huy và là người giao nhiệm vụ cho Tiểu đội 4 (tiểu đội có chiến sĩ Trần Văn Hoan) đi lấp hố bom tại tuyến đường Khe Giao - Đồng Lộc. Bà Cương nhớ lại: “Đó là những ngày cao điểm của chiến dịch đảm bảo giao thông trên tuyến lửa Khu 4. Khoảng 18 giờ ngày 15-1-1967, Tiểu đội 4 thuộc 554 - N55 - P18 được Ban Chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ vận chuyển đá từ núi Cào Cào thuộc xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc đến dốc Anh Quỳnh ở huyện Thạch Hà để san lấp hố bom. Tiểu đội gồm 13 đồng chí và được dùng xe ô tô để chở đá. Dù quãng đường có vài chục cây số nhưng do địch thả pháo sáng, ném bom và bắn đạn rốc-két khắp nơi nên tốc độ vận chuyển rất chậm. Vào khoảng 2 giờ sáng ngày 16-1, khi tiểu đội đã vận chuyển được 3 chuyến xe, trên đường trở lại núi Cào Cào lấy đá chuyến thứ tư thì bất ngờ ô tô sập hố bom, đồng chí Trần Văn Hoan bị hất tung khỏi xe rơi xuống đất và bị ngất tại chỗ. Sau hai giờ cấp cứu, đồng chí Hoan đã hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi.

Hơn 20 năm, khi nhắc lại những hy sinh mất mát của những năm tháng chiến tranh, bà Cương không khỏi xúc động, bà nói: Các chiến sĩ TNXP của Tiểu đội 4 làm nhiệm vụ hôm đó, nay đã trên 70 tuổi, người còn người mất, những người còn sống đến hôm nay là những nhân chứng quý giá cho thế hệ những người anh hùng trong cuộc chiến tranh, không có giấy chứng nhận nào thay thế.

Được sự giúp đỡ của bà Cương và ông Đào Văn Tinh - Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi đã tìm gặp được 3 người là ông Nghiêm Nhung, ông Nguyễn Đình Nam và bà Quế. Cả 3 người hiện sinh sống tại xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ và họ là những người cùng nhập ngũ và biên chế vào tiểu đội của anh Trần Văn Hoan; cùng tham gia nhiệm vụ lấp hố bom vào đêm 15-1-1967 và trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của ông Hoan hôm đó.

Theo ông Nghiêm Nhung, đêm đó tiểu đội vận chuyển được khối lượng đá khá lớn đến san lấp hố bom tại dốc Anh Quỳnh. Làm việc từ chập tối đến hơn 2 giờ sáng, vừa đói, vừa khát và mất ngủ nên ai nấy đều kiệt sức. Khi đồng chí Hoan từ trên thùng xe rơi xuống đập đầu xuống đất bị gãy cổ, chấn thương quá nặng nên đồng chí Hoan đã hy sinh…

Đừng để thân nhân anh Trần Văn Hoan chờ đợi trong vô vọng

Sau tái lập tỉnh Hà Tĩnh năm 1991, bà Hương nhiều lần có đơn gửi đến Sở GTVT, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh nhưng sau mỗi lần gửi đi những lá đơn là sự chờ đợi trong vô vọng. Điều may mắn với gia đình bà Hương là 10 năm sau đó, tình cờ một nhà báo phát hiện được tờ công văn ghi ngày 3-10-2002 của Cục Thương binh Liệt sĩ và Người có công (nay là Cục Người có công - Bộ LĐTBXH) đề nghị Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh “kiểm tra từng trường hợp... đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ thì trình UBND tỉnh...” và danh sách kèm theo tờ công văn này có tên Trần Văn Hoan. Niềm hy vọng hé mở và bà Hương lại bắt đầu hành trình đến các cơ quan: Sở GTVT, LĐTBXH, Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh rồi cả UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ LĐTBXH để hỏi các thủ tục, hồ sơ công nhận liệt sĩ cho ông Trần Văn Hoan. Theo hướng dẫn, bà Hương đã làm các giấy tờ nộp cho các cơ quan có thẩm quyền, thế nhưng, mọi việc sau đó đều không có hồi âm.

Bà Hương nói trong nấc nghẹn: “Từ ngày anh Trần Văn Hoan hy sinh cho đến năm 2001, tức là sau 34 năm, gia đình không nhận được bất kỳ một giấy tờ gì. Không có giấy báo tử hay giấy công nhận liệt sĩ, tử sĩ gửi về địa phương hoặc gửi cho gia đình. Vậy mà trong hồ sơ Trần Văn Hoan đã có chữ ký nhận tiền tuất một lần ghi tên Trần Văn Toàn?

Theo ông Cẩn (em trai ông Hoan) thì cha ông sinh năm 1914, không biết chữ và chưa bao giờ đi ra khỏi làng Kẻ Thượng quê ông. Gia đình cũng không biết ông Trần Văn Toàn nào đã ký nhận tiền tuất một lần của ông Trần Văn Hoan trong khi giấy chứng minh nhân dân của cha anh Hoan là Trần Toàn? Để xác định chính xác hơn việc chi trả tuất một lần của anh Trần Văn Hoan, Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn số 1034 SGTVT/VP ngày 17-4-2017, gửi Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đề nghị khai thác hồ sơ lưu trữ tra cứu vấn đề này. Ngày 20-4-2017, Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh có Công văn số 359BHXH -TNTKQ trả lời: “Không có hồ sơ của ông Trần Văn Hoan như đã nêu trên”.

Năm 2001, được sự giúp đỡ của Hội TNXP và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, gia đình bà Hương đã nhận được “Giấy báo tử” của ông Trần Văn Hoan. Có được Giấy báo tử, suốt 21 năm qua, bà Lê Thị Hương liên tục đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến T.Ư để đòi chính sách công nhận liệt sĩ cho người anh. Chính quyền xã Trường Sơn cũng đã tổ chức họp thôn xóm, lấy ý kiến người dân. Các tổ chức như: MTTQ, Phụ nữ, CCB, TNXP… của xã và Phòng LĐTBXH huyện Đức Thọ đã có văn bản đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Trần Văn Hoan. Nhưng, cho đến tháng 12-2020, khi gia đình gặp đại diện Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh thì được trả lời như bao lần trước là hồ sơ của ông Trần Văn Hoan đã được chuyển về Phòng Nội vụ huyện Đức Thọ thẩm tra giải quyết!

Hơn 50 năm, tên anh chưa có trong danh sách những Người có công. Không biết các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh nghĩ gì khi một người con của quê hương hy sinh vì Tổ quốc, vì đất nước mà đến nay vẫn chưa được công nhận, ghi danh?

Bài và ảnh: Kim Quang - Anh Thi