Mi6 – 7609 tại Bảo tàng Không quân.

Báo tháng 9 -Một ngày hè, tôi đưa các cháu ra thăm Bảo tàng Không quân. Không thể nói hết niềm vui và sự ngạc nhiên của các cháu từ quê ra Hà Nội. Tôi cũng muốn từ Bảo tàng này để gieo ước mơ cho các cháu, giáo dục lòng yêu nước và nhất là truyền thống anh hùng, quả cảm của bộ đội không quân.

Trong khuôn viên rộng của sân Bảo tàng, những chiếc máy bay kiêu hãnh ngẩng cao đầu để nhớ về những lần xuất kích, quần nhau với máy bay địch, những ngày làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, bảo vệ sự bình yên cho đất nước.

Các cháu dừng lại rất lâu bên chiếc trực thăng Mi6-7609 đồ sộ với lời trầm trồ “Máy bay to thế, quạt to thế... ai mà lái được máy bay này giỏi lắm bà nhỉ...”. Tôi kể câu chuyện đưa người quê ra thăm bảo tàng cho “các cụ hưu” trong câu lạc bộ bóng bàn số 8 (phường Khương Mai) nghe với lời băn khoăn “Ai mà lái được chiếc Mi6?”. Anh Nguyễn Phúc Châu tủm tỉm cười và thong thả trả lời: “Tôi lái chiếc Mi6”. Trời! Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng nhìn lại anh...!

Cùng chơi bóng bàn ở Câu lạc bộ 6 năm, giờ tôi mới biết chuyện này. Tôi thật vui và tự hào về đồng đội Cựu chiến binh là phi công. Phải hẹn đến lần thứ 4, anh Châu mới chịu kể chuyện lái Mi6 cho tôi nghe. Thật cảm phục khi nghe anh Châu nói: “Trong phường Khương Mai có nhiều phi công rất giỏi, lập nhiều chiến công vẻ vang, nhiều Anh hùng, tướng, tá, nhiều tấm gương điển hình... chị nên viết về họ...”.

Tôi chợt hiểu đây là lí do mà anh chối từ các lần hẹn gặp trước. Sự khiêm tốn, giản dị của anh càng gây sự chú ý, tò mò trong tôi. Nhiều năm chơi bóng, tôi chỉ biết anh là người ít nói, và có quả giật bóng “thần sầu” (rất hay), tôi luôn động viên khi được đứng cùng anh “bên tôi có một phi công - con nhà trời nhé, anh cứ dội bom (giật bóng) hay vào...”. Tuổi già chúng tôi vui vẻ, thư giãn với những trận bóng như thế...

Anh Nguyễn Phúc Châu sinh năm 1956 trong một gia đình công chức tại xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Năm 1972 anh xung phong vào bộ đội, mặc dù chưa đủ tuổi và biên chế Tiểu đoàn 19, Bộ CHQS tỉnh Nam Hà. Tháng 9-1973 anh được tuyển về tiểu đoàn dự khóa bay của Cục Chính trị - Quân chủng KQ. Cuối năm 1975 anh vào học trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trang.

Hoàn thành khóa học, anh được chuyển về Trung đoàn 916, trung đoàn không quân trực thăng và lái Mi6 - loại máy bay trực thăng do Liên Xô (cũ ) sản xuất. Mi6 là loại máy bay vận tải, trọng lượng cất cánh tối đa lên 42,5 tấn. Nhiệm vụ của Mi6 là vận tải, chở hàng, chở quân, cẩu các loại Mi khác để cất giấu và làm các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt khác khi được cấp trên giao phó.

Đời binh nghiệp của Anh được làm nhiều nhiệm vụ khác nhau... Trong hơn 10 năm gắn bó, lái chính Mi6, kỷ niệm sâu sắc nhất để lại trong anh là các chuyến bay phục vụ chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2-1979. Anh cùng Mi6 chở vũ khí, đạn dược và các khí tài quân sự...từ sân bay Hòa Lạc (Sơn Tây) lên các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng... và sau đó chở thương binh về về sân bay Bạch Mai (Hà Nội) để các xe cứu thương đưa bệnh binh về Bệnh viện 108; 103 điều trị.

Các chuyến bay chở vũ khí đạn dược từ sân bay Đà Nẵng sang Stungtreng (Campuchia) để tiếp tế cho bộ đội Quân khu 5 làm nhiệm vụ quốc tế ...Còn chuyện đưa Mi6 từ sân bay Hòa Lạc trở về sân bay Bạch Mai..., anh bồi hồi và cảm động kể lại: “Còn Mi6 cuối cùng ở lại sân bay Hòa Lạc (Hòa Bình), lãnh đạo BTL Quân chủng quyết định đưa Mi6 về Bảo tàng ở Hà Nội. Làm cách nào để đưa về Hà Nội được khi Mi6 số hiệu 7609 đã hết niên hạn sử dụng. Có ý kiến cho rằng đưa Mi6 về bằng đường bộ nhưng ngày ấy chưa có đại lộ Thăng Long, đi đường bộ rất khó khăn vì đường xấu không thể kéo bằng đường bộ, vả lại không có cẩu nào để cẩu Mi6 lên được, không có loại xe nào để chở được Mi6... Cuối cùng BTL quyết định cho Mi6 về Hà nội bằng đường không. Khó khăn tiếp đặt ra là ba năm Mi6 không hoạt động; các thiết bị xuống cấp; chim, chuột vào khoang làm tổ, phá hoại. Các tình huống đặt ra, khó khăn chồng chất khó khăn? Một tổ thợ máy sữa chữa Mi6 sớm được thành lập. Sau khi khắc phục, sữa chữa xong, Mi6 được tổ bay tiếp thu. Tổ bay gồm 4 người: Hai lái chính là phi công Tăng Ngọc Tiến ngồi ghế trái, phi công Nguyễn Phúc Châu ngồi ghế phải; anh Phạm Như Cận dẫn đường, anh Vũ Ngọc Khoa cơ giới trên không. Tổ bay thực hiện 2 vòng bay thử an toàn và hạ cánh, kiểm tra kỹ thuật lần cuối trước khi bay về sân bay Bạch Mai”.

Tôi sốt ruột và tò mò hỏi “thời gian bay hết bao lâu và tâm trạng anh lúc đó thế nào?”. Anh Nguyễn Phúc Châu bồi hồi xúc động: “Lúc đó tôi còn trẻ, chút tâm lý thoáng qua nhưng tĩnh tâm lại ngay vì xác định mình là sĩ quan quân đội, khi được tổ chức giao nhiệm vụ mình sẵn sàng, vui vẻ và cố gắng hoàn thành...”.

Anh xúc động sống lại kỷ niệm gần 30 năm trước: “Độ 14 phút bay, bay thấp tránh thời tiết xấu, bay theo quốc lộ 32 cho chuẩn xác. Về đến Ngã Tư sở, Mi6 bục ống dẫn dầu đốt (dễ gây cháy nổ) mọi người rất lo lắng... và 30 giây sau Mi6 bỗng “Rầm”, hạ cánh tiếp đất tại sân bay Bạch Mai an toàn. Bốn anh em tổ bay chúng tôi thở phào, nhẹ nhõm, sung sướng. Vừa bước ra khỏi buồng lái, chúng tôi cảm động hơn khi thấy Tư lệnh Quân chủng - Thiếu tướng Trần Hanh ra tận sân bay tặng quà cho tổ bay.”...

Lặng im trong giây lát, Nguyễn Phúc Châu không dấu nổi cảm xúc, anh nói “Đã 28 năm rồi, tôi cảm tưởng như mới đưa Mi6 từ sân bay Hòa Lạc về sân bay Bạch Mai, Hà Nội, 14 phút ngắn ngủi đưa Mi6 về, tiếng “Rầm” lúc tiếp đất luôn xúc động trong tôi..”.

Giọng anh bỗng chùng xuống “thi thoảng tôi vẫn ra Bảo tàng thăm Mi6, tôi đứng bên Mi6 một lúc... rồi về!”. Tự nhiên nước mắt tôi cứ chực trào ra!

Năm 2012 anh Nguyễn Phúc Châu nghỉ hưu theo chế độ và về sống với gia đình tại nhà số 7, ngõ 128/4 Hoàng Văn Thái, tổ 12 phường Khương Mai. Anh có một gia đình hạnh phúc, mẹ anh ngoài 90 tuổi được con, cháu chăm sóc chu đáo, vợ anh chị Phạm Thị Định người đồng đội năm xưa công tác ở Cục Hậu cần Quân chủng KQ cùng anh kết duyên và vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ riêng, chung trọn vẹn; các con anh, cháu Nguyễn Thị Thùy Dương; Nguyễn Minh Quang đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định là công dân có ích cho gia đình, xã hội, các cháu nội, ngoại của anh là con, cháu ngoan, trò giỏi. Trong gia đình “tứ đại đồng đường” đầy ắp tình yêu thương, trách nhiệm và sự sẻ chia.

Tham gia cấp ủy, với nhiệm vụ Chi hội trưởng Cựu chiến binh tổ 12, anh Nguyễn Phúc Châu tâm sự: “Tôi được các anh vận động tham gia cấp ủy nhưng cũng ngại lắm. Trong tổ có người Đại tá, có sức khỏe họ không làm, tôi nghĩ là công việc chung mọi người cố gắng một tý, ghé vai cùng nhau gánh vác nhiệm vụ chung, nhưng ngại nhất là khoản đi thu tiền đóng góp, ủng hộ...”.

Tôi được dịp động viên: cố gắng lên anh, mình làm vì công việc chung, triển khai nghị quyết trên giao, các khoản thu đều có chủ trương, vì cộng đồng rồi bà con sẽ hiểu.

Chia tay anh Nguyễn Phúc Châu ra về, trong tôi vẫn ám ảnh hình ảnh người phi công cao, gầy năm tháng lặng thầm cùng Mi6 làm nhiệm vụ khó khăn, cao cả.  Tiếng “Rầm” của Mi6 khi tiếp đất và kỷ niệm sâu sắc trong đời quân ngũ, anh  không thể nào quên. Tôi trân trọng anh, các anh, chị... một thế hệ gác bút nghiên lên đường cầm súng vì độc lập tự do - một thời trận mạc ác liệt, họ không tiếc tuổi trẻ, máu xương. Họ dũng cảm, cống hiến, hy sinh âm thầm, lặng lẽ và bình dị, yêu thương trong cuộc sống đời thường. Họ xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ đẹp mãi trong lòng dân...

Khương Mai, hè 2019

LÊ MAI

Phi công Nguyễn Phúc Châu và vợ.