Thung lũng Kashmir nằm ở phía Tây Bắc tiểu lục địa Ấn Độ. Một nơi có phong cảnh hữu tình nhưng phải chịu nhiều hậu quả của xung đột.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan lại bùng phát khi ngày 5-8-2019 Ấn Độ công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời trình dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir.

Mặc dù Ấn Độ cho rằng việc chấm dứt quy chế đặc biệt tại Kashmir là vấn đề nội bộ để Chính phủ có thể kiểm soát tốt hơn tình hình tại đây, song Pakistan đã kêu gọi quốc tế can thiệp, đồng thời thông qua một nghị quyết chỉ trích hành động đơn phương của New Delhi.

Hành động của Ấn Độ quả là một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới tình hình an ninh vốn không ổn định trong mấy chục năm qua ở khu vực mà phần lớn bất ổn đều khởi nguồn từ Kashmir.

Nhìn lại lịch sử phân chia khu vực Jammu và Kashmir mới thấy đây là ngòi nổ chiến tranh nếu Ấn Độ và Pakistan không kiềm chế. Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành hai cuộc chiến tranh lớn vì vùng lãnh thổ tranh chấp này (diện tích hơn 222.000km2), chưa kể vô số các cuộc đụng độ lẻ tẻ khác. Khác biệt là giờ cả hai đều là những cường quốc hạt nhân.

Sau khi tiểu lục địa Ấn Độ được chia tách thành Ấn Độ và Pakistan năm 1947, tất cả 565 tiểu quốc chiếm 2/5 diện tích bán đảo Ấn Độ với dân số 90 triệu người phải đứng trước sự lựa chọn là gia nhập một trong hai quốc gia mới.

Hầu hết các tiểu vương đều nhanh chóng tìm được quyết định của mình, trừ tiểu vương Maharaja Hari Singh cai trị vùng Jammu và Kashmir, vùng đất nằm kẹp giữa Pakistan và Ấn Độ. Tiểu vương Maharaja Hari Singh là một tín đồ Hindu giáo nhưng đa số thần dân của ông ở Jammu và Kashmir lại là người Hồi giáo. Hari Singh chọn giải pháp trung lập và đề nghị ký hiệp ước không xâm phạm với Pakistan và Ấn Độ nhưng chỉ có Pakistan đồng ý đặt bút ký vào thoả thuận đó, còn Ấn Độ kiên quyết bác bỏ. Vậy nhưng Pakistan đã sớm phá cam kết để rồi Hari Singh phải ký kết một thoả thuận nhượng quyền quản lý Kashmir cho Ấn Độ. Theo đó, New Delhi có quyền quyết định các vấn đề đối ngoại, quốc phòng và hoạt động thông tin liên lạc ở Kashmir.

Nghi ngờ và xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn diễn ra ở khu vực Kashmir bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn. Bên cạnh đó, cho dù hai bên có kiềm chế thì chỉ cần một vụ đánh bom khủng bố ở khu vực này, cho dù là phần do Ấn Độ hay Pakistan kiểm soát thì đó cũng là cái cớ cho xung đột leo thang.

Vùng đất xinh đẹp Kashmir đa văn hóa và tôn giáo theo lịch sử vốn đã khó thuộc về Ấn Độ hay Pakistan thì hai bên hãy tìm một giải pháp dung hòa, cùng chung sống trong hòa bình. Việc Ấn Độ đơn phương đặt cả vùng đất đã bị chia tách và thuộc về hai nước dưới sự quản lý của riêng mình là tiền lệ xấu nên tránh. Trước động thái này của Ấn Độ, Pakistan cũng hạ cấp quan hệ và dừng giao thương với Ấn Độ, đẩy quan hệ giữa hai bên vốn còn căng thẳng sau xung đột hồi đầu năm ở Kashmir trở nên căng thẳng hơn.

Đáng mừng là cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ mong muốn hai bên sớm ngồi lại đàm phán. Mỹ, Trung Quốc, Nga… đều khuyến khích hai bên cùng tìm một giải pháp hòa bình thay vì đơn phương hành động. Đáng mừng hơn, tuy lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan chưa khẳng định sẽ gặp nhau thì tín hiệu từ hai bên đều cho thấy không có ý để mâu thuẫn Kashmir thành lý do đẩy hai nước vào một cuộc chiến.

Ngọc Hưng