Hiện nay đang là mùa khô trên cả nước, lại là dịp Tết đến, là mùa lễ hội-nguy cơ hỏa hoạn hiện hữu ở khắp nơi, công tác phòng cháy, chữa cháy lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Để xảy cháy, hậu quả bao giờ cũng hết sức nặng nề về người và tài sản. Thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 11 tháng năm 2014, cả nước đã xảy ra 1.926 vụ cháy, làm 83 người chết, làm thiệt hại 992 tỷ đồng tài sản, 1.108ha rừng; đấy là chưa kể đến số vụ xảy cháy trong tháng 12-2014 có chiều hướng tăng cao với nhiều vụ như vụ cháy nhà ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng ngày 29-12; vụ cháy 3 nhà ở quận 3 TP Hồ Chí Minh ngày 31-12 vừa qua…
Qua thực tế các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng thấy, ngoài các yếu tố khách quan như gió mạnh, chập điện, sét đánh… thì nguyên nhân gây cháy là từ chính ý thức chủ quan của con người. Tại các thành phố, thị xã, thị tứ, các khu công nghiệp lớn, có một mẫu nhà chung là nhà dạng ống; rất nhiều gia đình dùng tầng một để buôn bán, tầng hai chứa đồ, từ tầng ba trở lên dùng làm nơi sinh sống chung cho cả gia đình; các ban công, tầng nóc được hàn khung thép vững chắc để chống trộm, nên khi xảy cháy ở tầng dưới, khói lửa bốc lên cao hun chết người ở trên mà không có lối thoát. Không ít các hộ kinh doanh ở phố, nhất là kinh doanh ka-ra-ô-kê thường ốp tường cách âm bằng tấm xốp dễ cháy, trang trí các tường bằng những dải rèm vải, làm các bảng hiệu che bít mặt tiền nhà, bên trong là những bóng đèn huỳnh quang, đèn LED rất dễ xảy ra chập điện… Rồi chuyện phổ biến là chuyện thợ hàn khung sắt trong khu dân cư để tia lửa điện bay ra gây cháy. Chuyện hệ thống điện trong gia đình cũ nát, bùng nhùng; chuyện thắp hương đốt nến thờ cúng, đun nước bếp ga hoặc bếp siêu tốc nhưng trước khi đi gia chủ không kiểm tra tắt nguồn, gây cháy. Rồi chuyện nhiều người đi hun chuột, hút thuốc lá tiện tay vứt điếu thuốc hút dở vào đám cỏ khô gây cháy cả khu rừng… Những chuyện như vậy không hiếm nhưng chẳng ai để ý, đến khi cháy rồi mới “thế à, biết vậy…” thì đã quá muộn. Rồi lại còn bao chuyện khi đã xảy cháy nữa chứ: đó là chuyện phố nhỏ, ngõ nhỏ, vật dụng chiếm đường nên xe chữa cháy không thể vào được, chuyện đang chữa cháy thì hết nước, mà họng nước chữa cháy thì hết nước, chuyện nhiều người thấy cháy không tham gia cứu chữa mà khoanh tay đứng xem, thậm chí là “đục nước béo cò” lao vào giả chạy đồ nhưng rồi ôm đồ chạy thẳng lấy làm của riêng mình… Đó là chưa nói đến chuyện không ít các cơ quan, đơn vị không quan tâm đến chuyện phòng cháy, chữa cháy, để bể nước chữa cháy thường xuyên khô hạn, các dụng cụ chữa cháy không quan tâm bổ sung, đến khi xảy cháy vào tìm thì đã bị mất từ bao giờ mà không hề hay biết. Những chuyện mất cảnh giác dễ xảy cháy gây hậu quả nghiêm trọng như thế này có thể kể ra rất nhiều từ chính thực tế cuộc sống xã hội trong những năm qua. Tiếc một điều là, sau mỗi vụ cháy, sau mỗi quý, mỗi năm chúng ta đều tổng kết, tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục rất chi tiết, cụ thể nhưng chỉ ngay sau đó, chúng ta lại “quên”, lại tiếp tục các lỗi này và lại để xảy cháy gây hậu quả nghiêm trọng; để rồi mùa khô, dịp Tết, dịp lễ hội năm nay, năm sau và năm sau nữa, chúng ta lại tổng kết, lại rút kinh nghiệm công tác phòng cháy, chữa cháy như một điệp khúc và người, tài sản vẫn cứ ra tro!
Hiện nay đã vào dịp Tết, vào mùa khô, mùa lễ hội, công tác tuyên truyền và chuẩn bị thực tế phòng cháy, chữa cháy lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, đòi hỏi các cơ quan, doanh nghiệp và mỗi người dân cần chuẩn bị kỹ, khắc phục những nguyên nhân có thể gây cháy và nâng cao ý thức thường trực phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an toàn về tài sản và sức khỏe, sinh mạng cho chính mình và cho cộng đồng. Phòng cháy, chữa cháy là những việc không thể chủ quan!
Quốc Huy