Năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có sự khởi sắc rất đáng mừng. Báo CCB Việt Nam chọn 10 sự kiện tiêu biểu nhất giới thiệu cùng bạn đọc:

  1. Quốc hội thông qua nhiều dự án luật : Năm 2014, Quốc hội đã thông qua 29 Luật, nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách hành chính - tư pháp, bảo đảm quyền con người, đẩy mạnh hội nhập quốc tế…
  2. Đấu tranh phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông: Từ đầu tháng 5, tình hình Biển Đông bắt đầu phức tạp khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hàng trăm tàu hộ vệ vào vùng biển Việt Nam, hạ đặt giàn khoan thăm dò trái phép, bất chấp những phản đối mạnh mẽ của Việt Nam. Trung Quốc dùng tàu để đâm va và dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư, tàu đánh cá Việt Nam. Với phương châm quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, chúng ta đã kiên quyết đấu tranh cả trên thực địa lẫn ngoại giao buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi thềm lục địa Việt Nam vào đầu tháng 8.
  3. Tăng trưởng kinh tế vượt mức đề ra: Năm 2014, GDP cả nước tăng 5,98%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 5,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng cuối năm 2014 chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, CPI bình quân năm 2014 so với năm 2013 tăng 4,09%. Cả hai chỉ số này đều ở mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua…
  4. Nhiều hiệp định FTA đã kết thúc đàm phán: Trong năm, chúng ta đã ra Tuyên bố chung kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ka-dắc-xtan, Hàn Quốc, EU; quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sớm kết thúc - tất cả hứa hẹn được ký kết trong năm 2015, mở ra các cơ hội kinh tế mới, bước vào giai đoạn giảm thuế quan sâu.
  5. Xuất siêu đạt mức cao nhất: Con số 2 tỷ USD là số xuất siêu mà chúng ta đạt được trong năm 2014, là số thặng dư thương mại hàng hóa cao nhất trong nhiều năm qua. Năm 2014, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu 17 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15 tỷ USD.
  6. IPO nhiều doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước: Trong năm, hai Sở giao dịch chứng khoán đã tổ chức 86 phiên đấu giá cổ phần với giá trị bán được đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2013; trong đó có các đợt IPO Vinatex, Vietnam Airlines, Phân bón dầu khí Cà Mau… Tính đến nay, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.959 doanh nghiệp. Trong 10 tháng đầu năm 2014, giá trị các khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) và ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính theo Đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 2.415 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2013.
  7. Giá xăng dầu giảm mạnh: Năm 2014, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh khoảng 40%, xăng Việt Nam mới giảm 26%. Trong năm có 17 đợt điều chỉnh giá (5lần tăng, 12 lần giảm), kết cục xăng giảm 6.330 đồng/lít, dầu đi-ê-den giảm 5.970 đồng/lít. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển giảm khá chậm và chưa tương xứng với xăng.
  8. Nợ công sát ngưỡng cho phép: Theo Chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, tỷ lệ nợ công an toàn là 65% GDP nhưng đến năm 2014 và 2015, tỷ lệ này ước tính lần lượt là 60,3% và 64% GDP.
  9. “Chào hàng” các dự án đường cao tốc: Trong khi nguồn vốn ngân sách hạn chế, vốn ODA cạn kiệt, Bộ GTVT đã được phép thực hiện “dùng hạ tầng đầu tư hạ tầng” bán các dự án đường cao tốc lấy tiền đầu tư xây dựng các tuyến đường khác. Ngoài tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng dự định bán cho Ấn Độ thì 5 tuyến khác đang được “chào hàng” là Nội Bài- Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bến Lức - Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
  10. Quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực: Công tác công khai tài sản, giám sát tài sản cán bộ cấp cao được tăng cường, tiêu biểu là trường hợp ông Trần Văn Truyền-nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã bị thi hành kỷ luật cảnh cáo; ngoài ra còn nhiều vụ đại án tham nhũng như vụ Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh…; bước đầu củng cố lại niềm tin trong nhân dân.