Tiêm kích F/A-18E Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay Ronald Reagan. Từ ngày 17-7, Mỹ điều tàu sân bay Ronald Reagan “diễn tập chất lượng cao” đề phòng diễn biến bất ngờ trên Biển Đông.

Các nước lớn từ trước đến nay đều tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, nhưng trước những yêu sách chủ quyền cùng các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở khu vực này, hiếm thấy phản ứng chính thức của các quốc gia.

Thực tế đó đã thay đổi. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13-7 đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Cùng ngày, các lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện và Hạ viện ra tuyên bố chung khẳng định họ ủng hộ việc chính quyền làm rõ lập trường rằng yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là bất hợp pháp. Trung Quốc đã không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016.

Tuyên bố chỉ trích Trung Quốc "bắt nạt nước láng giềng, quyết liệt cải tạo và quân sự hóa các thực thể, tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác" và nhấn mạnh những hành động này leo thang trong vài tháng qua khi thế giới đang tập trung chống Covid-19. Mỹ cam kết duy trì luật pháp quốc tế, tiếp tục tự do hàng không, hàng hải ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép, đồng thời ủng hộ các đối tác và tổ chức trong khu vực tìm kiếm giải pháp ngoại giao hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông.

Như vậy đã rõ, từ lập trường không đứng về bên nào trong tranh chấp ở khu vực, Mỹ lần đầu tiên công khai phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy Washington không nói là họ ủng hộ yêu sách trên Biển Đông của các quốc gia còn lại, nhưng việc nhấn mạnh tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, phản đối yêu sách của Trung Quốc với Malaysia hay Brurei, và đặc biệt là nhấn mạnh việc tuân thủ Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 cho thấy Mỹ phản đối Trung Quốc và ủng hộ các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, hoặc bị Bắc Kinh “bắt nạt” chủ quyền. Cụ thể hơn, với việc Mỹ nhấn mạnh sự tôn trọng UNCLOS 1982, Mỹ ủng hộ các quốc gia còn lại bởi các quốc gia này đều dựa vào UNCLOS 1982 để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp nếu có, trong khi Trung Quốc tự diễn giải UNCLOS 1982 theo cách riêng của mình.

Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, hết Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đến người phát ngôn Bộ Ngoại giao, rồi báo chí Trung Quốc lên tiếng phản đối Mỹ và “khuyên nhủ” rồi “răn đe” các nước tiếp giáp Biển Đông. Vậy nhưng, dù nói thế nào thì Trung Quốc cũng không đưa ra được bằng chứng, kể dựa trên lịch sử hay luật pháp quốc tế, để chứng minh yêu sách chủ quyền tham lam, đè lên luật lệ của mình.

Đáng ra, trong khi toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc, Bắc Kinh nên có những động thái đoàn kết hơn, nhất là với các nước láng giềng để vượt qua khủng hoảng thay vì liên tiếp điều các tàu chiến, tàu thăm dò, khảo sát dầu khí tới các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác gây sự. Đáng ra, Trung Quốc cũng không nên rầm rộ tiến hành tập trận quy mô lớn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa nơi họ chiếm đóng trái phép bằng vũ lực của Việt Nam. Đáng ra và đáng ra…

Thế nhưng, mong chờ Trung Quốc thay đổi lập trường là rất khó. Chỉ thấy, sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc đã nhanh chóng “alo” cho người đồng cấp Philippines, nhưng lời đáp lại là Philippines đề nghị Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình trong cuộc gọi cho Thủ tướng Singapore và Thủ tướng Thái Lan cũng có ý “nhắc khéo” chuyện Biển Đông và tuyên bố của Mỹ.

Chủ quyền, lãnh thổ luôn là vấn đề phức tạp, lâu dài và mọi phân định rạch ròi đều phải dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể đối với Biển Đông là UNCLOS 1982. Mỹ đã bày tỏ lập trường, các nước ASEAN trong đó có Việt Nam cũng đã bày tỏ lập trường và nhiều quốc gia khác cũng vậy. Quan điểm chung là dựa vào UNCLOS 1982 để giải quyết các tranh chấp hay tuyên bố chủ quyền để bảo đảm tự do hàng hải, hàng không và bảo đảm một nền hòa bình trong khu vực.

Luật pháp quốc tế phải được thượng tôn. Tuy vậy, với tuyên bố rõ ràng của Mỹ, có thể Mỹ sẽ có những hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc trên biển và cũng có thể Trung Quốc sẽ có những bước đi phiêu lưu hơn. Nếu vậy, Biển Đông sẽ tiếp tục là điểm nóng của thế giới.

Thanh Huyền