Chuyến đi được coi là phép thử quan trọng đối với kỹ năng ngoại giao của Tổng thống Donald Trump nhưng cũng là cơ hội để ông khẳng định chính sách ngoại giao “nước Mỹ trước tiên” như tuyên bố trên Twitter ngay trước chuyến đi: “Sẽ bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của Mỹ - đó là điều tôi muốn làm”.
Và dường như ông đã làm được điều đó, một cách rất thực dụng, chỉ cần kể đến thương vụ “bội thu” mà ông đạt được tại điểm dừng đầu tiên là Saudi Arabia!
Ngay trong ngày đầu tiên đặt chân đến Saudi Arabia, hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá khoảng 380 tỷ USD. Gồm các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng ở Mỹ, đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng của Saudi Arabia trong 10 năm tới, và đặc biệt là thỏa thuận quân sự trị giá 110 tỷ USD, được xem là hợp đồng quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. “Đây là một ngày tuyệt vời. Tôi muốn cảm ơn những người bạn Saudi Arabia về hàng trăm tỷ USD đầu tư vào Mỹ và việc làm cho nước Mỹ”, ông Trump nói đầy hài lòng trong cuộc họp báo sau lễ ký kết thỏa thuận.
Sự đón tiếp nồng hậu của phía Hoàng gia Saudi Arabia cùng thoả thuận “khủng” này đã giúp tân Tổng thống Mỹ vớt vát được phần nào, cho dù chưa thể làm xoay chuyển được tình thế khó khăn, khó xử ở trong nước.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama luôn ở tình cảnh “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, do ông Obama thúc đẩy đàm phán và ký kết thoả thuận với Iran về giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran, đồng thời điều chỉnh chiến lược xoay trục tập trung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn Tổng thống Trump khác người tiền nhiệm trong quan hệ với Saudi Arabia (và cả Israel) vì ông luôn muốn tỏ ra khác biệt thậm chí sẵn sàng làm ngược lại người tiền nhiệm.
Quan trọng nhất, Tổng thống Trump cam kết đưa công ăn việc làm về cho người Mỹ, nay ông sẽ có 100.000 việc làm một khi thỏa thuận đầu tư hạ tầng nói trên với Saudi Arabia được thực thi.
Ông Trump cũng cam kết dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho việc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và muốn lật ngược thoả thuận Mỹ đã ký với Iran về giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Bán vũ khí cho Saudi Arabia và các đồng minh quân sự khác ở vùng Vịnh đem lại nguồn lợi lớn cho Mỹ, đồng thời cũng là cách Mỹ dùng để tập hợp lực lượng và ràng buộc họ vào liên kết quân sự với Mỹ. Ông Trump cần Saudi Arabia làm hạt nhân và trụ cột cho việc thực hiện các mục đích và lợi ích của Mỹ ở khu vực là chống IS hay làm chảy máu Iran, thì nay ông đã có.
Cũng cần nói thêm rằng, bản thân Saudi Arabia cũng thực dụng không kém Đồng minh lớn của họ. Các thỏa thuận hợp tác với Mỹ giúp nước này đạt được đồng thời hai mục tiêu: Ràng buộc Mỹ vào quan hệ liên minh quân sự nhằm đối phó với Iran, lật đổ chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria; đồng thời chuyển đổi cơ cấu kinh tế để giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác và xuất khẩu dầu mỏ.
Rõ ràng, Mỹ là đối tác, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường rất quan trọng đối với sự thành công trong chiến lược này của Saudi Arabia. Không phải ngẫu nhiên mà Quốc vương Saudi Arabia đã ra tận sân bay để đón Tổng thống Trump và trao tặng ông Huân chương Quốc vương Abdulaziz, là tước hiệu công dân cao quý nhất của quốc gia vùng Vịnh này.
Thường thì những người tiền nhiệm của ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ đều tới thăm hai nước láng giềng là Canada hay Mexico đầu tiên, và thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên sớm hơn rất nhiều.
Ông Trump thì có hơi khác. Nhưng chung quy lại, tính thực dụng của người Mỹ thì không khác là bao.
NGUYÊN PHONG