Sạt lở ven biển ở Cà Mau đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nghiêm trọng đến mức UBND tỉnh Cà Mau vừa kiến nghị Chính phủ cho tỉnh Cà Mau “cơ chế xử lý khẩn cấp” (NV. nhấn mạnh) đối với các công trình xử lý sạt lở bờ biển, đê biển, vì nếu làm đúng quy trình sẽ mất rất nhiều thời gian và không thể xử lý kịp thời, sẽ dẫn đến vỡ đê và gây ra thiệt hại rất lớn cho địa phương… (nguyên văn đề nghị của tỉnh).

Nghĩa là bãi biển Cà Mau đang sạt lở rất nghiêm trọng. Vì sao? - Hầu hết đều “đổ” cho nguyên nhân “biến đổi khí hậu”. Thử hỏi, có bao giờ khi hậu không biến đổi?

Còn khắc phục là: Tỉnh đề nghị Chính phủ đầu tư kinh phí để đắp kè chống sạt sở(!). Nên nhớ biển Hà Lan khác với biển Cà Mau, nên làm kè chống sạt lở bờ biển là một hình thức đốt tiền nhanh nhất và khó hạch toán được thiệt hại nhất. Càng đắp kè to, hiện đại thì sụt lở càng lớn. Điều này những người kiến thức “i tờ” cũng biết chứ cần gì các nhà khoa học phải giải thích.

Phải nói sự thật: Hậu quả của sạt lở bờ biển ở Cà Mau là do con người phá rừng ngập mặn - nhất là rừng đước. Năm 1982, do công việc làm báo, tôi may mắn được sống và theo chân một số nhà khoa học ở trong rừng đước huyện Ngọc Hiển hai tháng. Thật tuyệt vời. Dân sống trong rừng đước như người Hà Nội sống trong phố Cổ “mở mắt ra là có tiền”… Nhưng năm ngoái tôi trở lại Ngọc Hiển thì rừng ngập mặn Minh Hải đã tan hoang không còn gì nữa! Thế thì bờ biển không lở mới là lạ. Bảo vệ bờ biển nói chung và bảo vệ bờ biển Cà Mau nói riêng chỉ có cây đước là bảo vệ được. Dường như tạo hóa cho sóng biển giữ dằn thì cũng đồng thời cho loài người cây đước để chống lại sự giữ dằn ấy. Chả thế mà dân ta gọi cây đước là vệ sĩ bờ biển.

Thiết nghĩ Chính phủ hãy dừng lại hết kinh phí đầu tư cho “đắp kè” giữ đất biển để chuyển sang trồng lại cây đước.

Trồng đước rất dễ và rất rẻ. Thậm chí cây đước tự sinh sôi nảy nở. Nhưng chặt phá cây đước thì cũng giống như phá khóa căn buồng.

Chỉ có “thuận thiên” và chỉ có “thuận thiên” như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới cứu được bờ biển Cà Mau.

Huy Thiêm