Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF bằng hình thức trực tuyến.

Nhận lời mời của Giáo sư (GS) Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), ngày 29-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF lần đầu tiên bằng hình thức trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”.

Phát biểu mở đầu, GS Klaus Schwab bày tỏ vui mừng khi thấy Việt Nam đã triển khai nhanh chóng và quyết liệt chiến lược tiêm chủng; tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển ấn tượng trong những thập niên tới. Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng với thông điệp chính sách mạnh mẽ, khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), thực hiện tầm nhìn, mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của cả Chính phủ và doanh nghiệp (DN); là thời điểm Chính phủ và DN cần tăng cường quan hệ đối tác công-tư để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Thủ tướng nhấn mạnh tình hình KT-XH của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nét khởi sắc trong tháng 10 do cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa nền kinh tế.

Thủ tướng chia sẻ về Kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn trước mắt của Việt Nam, gồm: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch Covid-19; các chương trình về bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm; phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng bày tỏ cảm động khi nhận được sự chia sẻ, tin tưởng và cam kết đồng hành của cộng đồng DN; cảm ơn sự chung tay, đồng lòng, hỗ trợ của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, trong nỗ lực phòng, chống dịch và phục hồi KT-XH của Việt Nam vừa qua.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 định hướng chính sách quan trọng của Việt Nam gồm: Phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) an toàn, thông suốt của DN trong điều kiện bình thường mới; hỗ trợ DN, người dân thúc đẩy SXKD nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định đời sống xã hội; triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia... có tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có các DN FDI tại Việt Nam; nâng cao chất lượng thể chế đồng bộ, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế, là điều kiện tiên quyết, một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước 10 năm tới; yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực nhằm phát huy tối đa nguồn lực quan trọng nhất là con người Việt Nam với tư cách vừa là chủ thể và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển.

Cùng với đó, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực tự chủ của nền kinh tế phù hợp với những điều chỉnh sau đại dịch.

Trên cơ sở các định hướng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp thực hiện chủ trương phục hồi sản xuất an toàn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất để bảo đảm đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng; đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt, như: Công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu-phát triển, đổi mới sáng tạo, đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tăng cường đối thoại, phối hợp trong khuôn khổ đối tác công-tư để khuyến khích sự hưởng ứng, tham gia của tất cả DN và người dân. Thủ tướng đề nghị Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF trở thành cơ chế thường kỳ giữa lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các DN và chuyên gia của WEF.

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được sự chia sẻ, đồng tình, hưởng ứng đặc biệt của các nhà lãnh đạo DN, tạo không khí trao đổi chân thành, cởi mở, thể hiện sự tin tưởng và mong muốn của các tập đoàn tăng cường hơn nữa quan hệ, mở rộng đầu tư, kinh doanh với Việt Nam.

Nhiều nhà lãnh đạo DN khu vực và toàn cầu đánh giá cao quyết định của Chính phủ Việt Nam chuyển sang thích ứng an toàn với dịch bệnh; ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng toàn dân, kiểm soát dịch bệnh cũng như các gói hỗ trợ với DN và người lao động. Cộng đồng DN nước ngoài đưa ra nhiều kiến nghị chính sách nhằm tái hồi phục và kích thích kinh tế, thúc đẩy FDI, cải thiện kết nối vận chuyển hàng hóa nội địa và xuyên biên giới.

Các tập đoàn công nghệ lớn “hiến kế” các chính sách thúc đẩy hợp tác công-tư để phát triển hạ tầng kỹ thuật số, khuyến khích đầu tư cho chuyển đổi số, các chiến lược tận dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 để ứng phó và phục hồi sau đại dịch.

Cộng đồng DN hoan nghênh mạnh mẽ việc tăng tốc và thực thi các cam kết trung hòa carbon đến năm 2050 cũng như các quy định liên quan về môi trường của Việt Nam; đề xuất các chính sách thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Cộng đồng DN toàn cầu đánh giá cao tiềm năng, khát vọng và các mục tiêu phát triển của Việt Nam, bày tỏ chia sẻ với quyết tâm của Chính phủ cũng như cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng thời cam kết sẽ đồng hành với Việt Nam trên con đường phát triển phía trước.

Khép lại đối thoại, GS Klaus Schwab một lần nữa bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng và vị thế của Việt Nam; cam kết WEF sẽ tiếp tục dành sự hợp tác và hỗ trợ tối đa cho Chính phủ Việt Nam.

Tiếp theo các cuộc đối thoại, gặp gỡ cộng đồng DN trong và ngoài nước của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF do Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì tiếp tục khẳng định quyết tâm, nỗ lực của của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy nhanh khôi phục, phát triển KT-XH, tạo nền tảng để phát triển nhanh và bền vững.

Sự tham gia đông đảo, ở cấp lãnh đạo cao nhất của các tập đoàn hàng đầu cho thấy sự quan tâm và tin tưởng mạnh mẽ của DN nước ngoài đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam. Đối thoại mở ra cơ hội to lớn để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công-tư, tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam với WEF và cộng đồng DN quốc tế nhằm xử lý các thách thức trước mắt cũng như thực hiện các mục tiêu trung và dài hạn.

TTXVN