Tại buổi làm việc, các đồng chí Kso Phước, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã báo cáo với Thủ tướng về tình hình vùng dân tộc thiểu số và một số vấn đề thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc; Báo cáo rà soát chính sách dân tộc hiện hành, đề xuất chính sách giai đoạn 2016-2020 và một số kiến nghị. Kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2014 cho thấy, chính sách dân tộc của nước ta hiện nay khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn với 130 chính sách để hỗ trợ, đầu tư phát triển KTXH - vùng dân tộc và miền núi. Nguồn lực được bố trí thực hiện các chính sách này trong giai đoạn 2006-2012 là 150.000 tỷ đồng, trong đó Ủy ban Dân tộc quản lý gần 31.964 tỷ đồng… Thông qua việc triển khai thực hiện các chính sách này, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi đã có nhiều thay đổi, nhất là hạ tầng KTXH, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh 3-4%/năm, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, vùng dân tộc và miền núi hiện vẫn còn nhiều khó khăn với 2.068 xã và hơn 18.000 thôn bản đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 45%, nhất là ở khu vực miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên… Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực thấp, còn 17,2% số người từ 10 tuổi trở lên không biết chữ, số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo chiếm 89,5%; đội ngũ cán bộ y tế vừa thiếu vừa yếu. Tình trạng du canh du cư tự do, tranh chấp đất đai ở nhiều địa phương diễn biến phức tạp, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cấp còn thấp… Tại hội nghị, ý kiến phát biểu của các bộ, ngành đã chỉ ra những nguyên nhân, ngoài các yếu tố khách quan còn do một số chính sách dân tộc còn trùng lắp, việc xây dựng các chính sách còn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, mục tiêu lớn nhưng thời gian và nguồn lực thực hiện không tương xứng; việc cân đối bố trí vốn chưa chủ động… Đến nay có 5 chính sách dân tộc hết hiệu lực vào năm 2015 nhưng nhiều mục tiêu chưa hoàn thành, đối tượng thụ hưởng chính sách còn lớn như: chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng ĐBSCL; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; chính sách cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng đồng bào thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đã xem xét, cho ý kiến với các kiến nghị, đề xuất liên quan đến chính sách dân tộc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cần nghiêm túc nhìn nhận, tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước là vấn đề mang tính chiến lược, có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng; những chủ trương thực hiện trong thời gian qua là hết sức đúng đắn, phù hợp; mang lại những kết quả rất tích cực, được LHQ và các tổ chức quốc tế đánh giá cao… Các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa, bằng tất cả quyết tâm của mình chăm lo thực hiện tốt công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Tin và ảnh:
Quốc Huy