Chiều 2/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021.
Cùng dự Hội nghị tại đầu cầu Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự Hội nghị tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh.
Gợi mở thảo luận đầu phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu theo tinh thần “5 thật” (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật) về tình hình, kết quả 6 tháng, phân tích các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đánh giá tình hình, góp ý kiến về các mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ trong báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.
Trước đó, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 về nội dung này, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để gửi lấy ý kiến của các địa phương.
Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn các địa phương nêu rõ các bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn để cả nước, các địa phương khác và Chính phủ cùng chia sẻ, nghiên cứu, học hỏi; đề xuất các kiến nghị để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã quán triệt thêm một số nội dung về công tác phòng chống dịch bệnh; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin làm rõ thêm về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch theo Nghị quyết 68 vừa được Chính phủ ban hành.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều đánh giá rất cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh “vạn sự khởi đầu nan” ngay khi Chính phủ vừa kiện toàn, “khó khăn trăm bề” thời gian qua; nhất trí cao với báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, nhất là về các bài học kinh nghiệm được rút ra và 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Các địa phương đều ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật và khen thưởng nghiêm minh để phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, linh hoạt của cấp dưới, huy động mọi nguồn lực phát triển.
Chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm túc, khoa học, bài bản, sáng tạo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia. Lãnh đạo tỉnh lấy ví dụ, khi Thủ tướng nêu quan điểm “chống dịch như chống giặc”, Vĩnh Phúc không coi đó chỉ là một khẩu hiệu mà còn là mệnh lệnh, một căn cứ pháp lý để UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển trạng thái sang tình trạng khẩn cấp, từ đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, áp dụng các biện pháp phù hợp tình hình.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết tỉnh đã kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều giải pháp vừa sản xuất, vừa chống dịch tại các nhà máy, khu công nghiệp. Nhờ đó, nhiều chỉ số kinh tế hết sức tích cực, tăng cao so với năm ngoái. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, tỉnh đã tiêu thụ tốt 215.000 tấn vải thiều với tổng doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng.
Ông Dương Văn Thái cho biết: Có được điều này là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Thủ tướng Chính phủ hằng ngày gọi điện chỉ đạo sát sao. Mọi khó khăn, vướng mắc mà tỉnh nêu ra đều được các bộ, nhất là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an giải quyết rất nhanh. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các địa phương khác và sự ủng hộ của nhân dân cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan chia sẻ kinh nghiệm “vừa chống dịch, vừa sản xuất” tại các nhà máy, khu công nghiệp, gắn với vai trò, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ nhà trọ và người lao động đồng hành với các cấp chính quyền. Tỉnh kiến nghị các bộ ngành một số nội dung như đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại sau dịch; đơn giản hóa các thủ tục trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo thỏa thuận giữa Bắc Ninh, Bộ Công Thương và Samsung…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến phát biểu đi thẳng vào vấn đề, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo và Nghị quyết, trình Thủ tướng ký ban hành để sớm tổ chức thực hiện có hiệu quả trên cả nước.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung với các địa phương, Thủ tướng nêu rõ, tình hình 6 tháng cho thấy chúng ta đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Về an sinh xã hội, quan trọng nhất là không có ai ở bất cứ nơi nào thiếu ăn, thiếu mặc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Những kết quả, thành tựu tích cực đó đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Giải ngân vốn đầu tư công có nhiều cố gắng nhưng còn chậm, nhất là vốn ODA. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TPHCM, một số tỉnh Đông Nam Bộ và miền Trung. Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn. An ninh trật tự tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.
Nguyên nhân của những kết quả, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, các cấp, các ngành đã nghiêm túc thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của các tất cả các địa phương, của cả hệ thống chính trị để vượt qua khó khăn, thách thức; huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, truyền cảm hứng cho nhân dân cùng vào cuộc với cấp ủy, chính quyền để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Thủ tướng lưu ý, những thành tựu, thành tích là cơ bản, nhưng không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với thắng lợi, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh đó, nguyên nhân của những hạn chế, bất cậplà một số địa phương, cơ quan, đơn vị, một bộ phận nhân dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lúc chưa có dịch bệnh và khi dịch đi qua; mất bản lĩnh, lúng túng, hoảng hốt khi có dịch, đưa ra biện pháp không phù hợp, thiếu hiệu quả, thậm chí cực đoan. Một số người đứng đầu tại địa phương chưa bao quát công việc, quyết tâm chưa cao, nỗ lực chưa lớn, hành động chưa quyết liệt, hiệu quả...
Một nguyên nhân khác là phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn nhiều khâu trung gian, nhiều thủ tục, trách nhiệm không rõ ràng, gây ách tắc công việc, làm giảm hiệu quả điều hành, quản lý. Thủ tướng nhấn mạnh, càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền để phát huy chủ động, sáng tạo của các cấp.
Việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách còn lúng túng, chưa quyết liệt. Các Nghị quyết của Chính phủ đã nêu rõ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, pháp luật và rà soát, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, nhưng việc này thực hiện còn chậm.
Nguyên nhân thứ năm là chưa huy động các nguồn lực trong nhân dân, trong xã hội, trong doanh nghiệp một cách có hiệu quả. Thời gian tới, để phát triển các hạ tầng chiến lược, phải đẩy mạnh hợp tác công tư, tổng kết, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, nhân rộng các mô hình hay để làm tốt hơn trên cơ sở kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lợi ích của nhà nước, của nhân dân và của nhà đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu, từ các nguyên nhân nói trên, mỗi cấp, mỗi ngành, lãnh đạo các địa phương phải nhìn thẳng vào sự thật, khiêm tốn, cầu thị lắng nghe, học hỏi, suy nghĩ để rút kinh nghiệm, tự soi, tự sửa, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình luôn diễn biến rất nhanh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và trách nhiệm được cấp trên giao phó.
Thủ tướng nhấn mạnh 4 bài học kinh nghiệm với các địa phương. Trước hết, phải biết kế thừa những thành quả, kết quả, kinh nghiệm của những người đi trước, các nhiệm kỳ trước, các năm trước, trên tinh thần kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Theo Thủ tướng, 6 tháng đầu năm 2020, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch nên tăng trưởng GDP không cao như năm nay và 6 tháng đầu năm nay, nhờ kế thừa các bài học từ năm ngoái, chúng ta đã nỗ lực, điều chỉnh để đạt kết quả tốt hơn.
Bài học thứ hai là càng khó khăn, phức tạp càng phải giữ vững, củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nội bộ, trong nhân dân và đoàn kết giữa các địa phương. Thủ tướng nhắc lại việc cả nước hỗ trợ Hải Dương phòng chống dịch và ngày hôm qua, hơn 300 cán bộ, sinh viên từ Hải Dương đã vào chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch.
Bài học thứ ba, điều rất quan trọng là sự nêu gương của người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát tình hình thực tế, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, truyền cảm hứng, tạo động lực cho cấp dưới.
Bài học thứ tư là kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, xử lý, kỷ luật kịp thời, đúng quy định.
Theo Thủ tướng, dự báo tình hình thời gian tới, thuận lợi, thời cơ sẽ đan xen với khó khăn, thách thức, nhưng phải xác định khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều so với thuận lợi và thời cơ. Thủ tướng yêu cầu, không được phép bi quan, sợ sệt, ngược lại, “đã nỗ lực rồi phải nỗ lực lớn hơn, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, đúng hướng, hiệu quả hơn”. Lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vượt qua, khẳng định, trưởng thành và phát triển.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta thống nhất chưa thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng, Đại hội đảng các cấp đã xác định, Quốc hội và HĐND các cấp đã giao. Trên cơ sở đó và căn cứ 2 kịch bản tổng thể được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng (tăng trưởng GDP cả năm 6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2), các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện tích cực, chủ động, phù hợp. Kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép dù đây là lựa chọn rất khó khăn, không có cách nào khác, chống dịch tốt để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch thành công.
Thủ tướng chỉ ra 5 quan điểm chỉ đạo trong thời gian tới mà các địa phương cần quán triệt sâu sắc.
Thứ nhất, căn cứ tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một cách linh hoạt, đúng hướng, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch; có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; có nơi, có lúc phải đồng thời cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.
Thứ hai, phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, dứt khoát không thụ động, trông chờ, ỷ lại. Cấp trên không bỏ rơi cấp dưới, cấp dưới không ỷ lại cấp trên.
Thứ ba, phải đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân để thực hiện bằng được mục tiêu kép, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Thứ tư, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, văn hóa, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trong bối cảnh hiện nay, coi sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết.
Thứ năm, phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, lãng phí, quan liêu. Với tinh thần "biết đến đâu quản lý đến đó", các cơ quan Trung ương tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật.
Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ trong thời gian tới mà các địa phương phải tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Trước hết, những nơi đang có dịch phải ưu tiên cho nhiệm vụ chống dịch, phát hiện sớm, cách ly nhanh, khoanh vùng dập dịch tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình, phải xác định trọng tâm trọng điểm vì nguồn lực, thời gian đều có hạn. Thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine.
Thứ hai, Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương phải tập trung rà soát ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Thủ tướng nhắc nhở các cơ quan, đơn vị chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ này và cho biết sẽ tiếp tục nhắc nhở, phê bình và xử lý nghiêm theo quy định.
“Vướng mắc ở đâu phải tìm ra, chỉ rõ để điều chỉnh. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ dứt khoát phải xử lý nhanh, kịp thời, có hiệu quả, đúng quy trình. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ trưởng phải trực tiếp giải quyết, xử lý. Những nội dung vượt quá thẩm quyền thì chúng ta báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý, thuyết phục các cơ quan liên quan trên cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện, cơ hội thuận tiện nhất cho người dân tiếp cận chính sách và giải quyết các công việc. “Trong lúc khó khăn này mà không tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp thì lúc nào?”, Thủ tướng đặt câu hỏi với lãnh đạo các địa phương.
Thứ tư, hết sức năng động, sáng tạo, không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu, không để đứt gãy thị trường lao động.
Thứ năm, thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo Nghị quyết của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải vào cuộc kiểm tra, đôn đốc, xác định rõ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất.
Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, bối cảnh hiện nay là thời cơ để thực hiện việc này.
Thứ bảy, mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, vừa qua một số tỉnh đã làm rất tốt công tác này, các địa phương cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tham khảo, học hỏi lẫn nhau để làm tốt hơn.
Thứ tám, có giải pháp tăng thu, giảm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, cấp bách.
Thứ chín, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, càng lúc này càng phải gần dân hơn, hành động quyết liệt hơn.
Thứ mười, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để người dân an tâm cùng các cấp chính quyền thực hiện tốt mục tiêu kép, “không để người dân đã lo lắng về sức khỏe, dịch bệnh lại phải lo về an ninh, an toàn”.
Mười một, các cấp chính quyền phải coi trọng hơn nữa công tác thông tin – tuyên truyền, vận động nhân dân, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, các thông tin sai trái, sai sự thật. Truyền thông theo tinh thần dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm để người dân chia sẻ khó khăn, truyền cảm hứng, động lực cho người dân vào cuộc với các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
VPCP