Trước hết, thu phí trên đầu các ti-vi ở khách sạn thoạt nhìn có vẻ như là thu của những người kinh doanh khách sạn, nhưng bản chất là thu của khách hàng.
Bởi vì rằng, muốn hay không muốn, thì mọi chi phí cộng với mức lợi nhuận dự kiến đều được tính cho khách hàng. Trong số những khách hàng có nhiều người sẽ nghe nhạc qua những chiếc ti-vi, nhưng có rất nhiều người sẽ không nghe. Bắt cả những người không nghe phải gánh chịu chi phí bản quyền âm nhạc là rất không ổn.
Người đại diện của Trung tâm Bảo hộ bản quyền tác giả âm nhạc lập luận rằng làm sao biết được người nào nghe, người nào không nghe, nên cứ phải thu đồng đều thôi.
Lập luận này là hết sức “độc đáo”(!). Với một lập luận như vậy, không khéo tất cả các gia đình có ti-vi đều phải trả tiền bản quyền âm nhạc. Hơn thế nữa, hàng chục triệu người có Iphone, Ipad cũng đều phải trả tiền như trên. Biết ai nghe nhạc, ai không nghe trong hàng chục triệu người này?
Thực ra, tiếp tục thu phí bản quyền âm nhạc trên đầu ti-vi không chỉ bất hợp lý, mà còn có thể dẫn đến hiện tượng “thuế chồng thuế”. Vấn đề là để thu được tiền bản quyền, thì phải thu từ những người sử dụng các tác phẩm âm nhạc để kinh doanh chứ không phải là người nghe chúng ở đầu cuối. Mặc dù người nghe chúng ở đầu cuối vẫn là người trả phí tác quyền. Họ trả phí tác quyền thông qua giá vé cho các buổi biểu diễn; giá băng đĩa cho chuyện ghi băng, ghi hình; giá thuê phòng cho ti-vi số, ti-vi cáp trong khách sạn…
Ví dụ như, thu phí bản quyền âm nhạc đối với khách sạn: Khách sạn đã trả tiền thuê truyền hình cáp hoặc truyền hình số và đưa chi phí này vào giá tiền thuê phòng. Khách hàng trả tiền thuê phòng trong đó có tiền thuê bao truyền hình số hoặc cáp. Trong cấu thành giá của truyền hình cáp và số có giá của cả phí bản quyền âm nhạc. Mặc dù thu phí bản quyền âm nhạc theo cách này cũng không hoàn toàn công bằng đối với những khách hàng không nghe nhạc. Nhưng trong những hoàn cảnh cụ thể cũng không thể bóc tách một cách máy móc được. Mà trong thực tế, cho dù không nghe nhạc thì khách vẫn xem chương trình khác của truyền hình. Và phí truyền hình là phí cho tất cả các chương trình.
Nhưng nếu khách đã trả phí truyền hình (qua giá phòng) lại còn phải trả phí bản quyền âm nhạc qua đầu ti-vi một lần nữa là hoàn toàn trùng lặp, là “phí chồng phí”.
Cách làm minh bạch và khả thi hơn là Trung tâm Bảo hộ bản quyền tác giả âm nhạc nên tăng cường thu phí bản quyền từ các nhà sản xuất: 1. Từ những người tổ chức showbiz; 2. Từ những người sản xuất băng, đĩa âm nhạc; 3. Từ những người sản xuất các chương trình phát thanh và truyền hình có sử dụng âm nhạc.
Việc đưa phí bản quyền âm nhạc vào giá các sản phẩm, dịch vụ và bán cho khách hàng như thế nào là việc của các nhà sản xuất. Cố mà thu phí bản quyền một lần nữa từ khách hàng của các sản phẩm và dịch vụ âm nhạc là hoàn toàn không hợp lý, không khéo lại một sự cố “BOT” âm nhạc nữa chứ chả chơi.
“Thu”. Lại “thu tiền” thì ai chả muốn. Vấn đề là ở chỗ thu có hợp lý hay không. Để đỡ có những “ý kiến dở” các nhà quản lý phải cân nhắc, kiểm duyệt kỹ khi các quyết định còn là dự thảo. Đừng đưa ra công luận phải bàn những chuyện vô lý như không thể vô lý hơn được. Cách làm đó cũng là lãng phí.
Bây giờ “thế giới phẳng” cái gì mình chưa nghĩ được thì hỏi “ông google” tí. Các nước làm chán rồi. Mình không “một mình một chợ” được đâu!.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng