CCB Trần Đức Kính ở xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang được mọi người quý trọng, bởi ông là một thương binh luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Ông càng được biết nhiều hơn từ ngày tự nguyện làm “thủ nhang” Nhà bia Nghĩa trang liệt sĩ xã do Hội CCB xã quản lý.

Chúng tôi đến viếng thăm Nhà bia vào sáng sớm, thấy ông đã quét dọn sạch sẽ và thắp nhang. Xong việc, ông mới ngồi tâm sự cùng chúng tôi. Ông tâm niệm, làm những việc để tri ân là việc cần thiết, mình có điều kiện thì làm. Đã làm thì làm cho tốt.

Sinh ra từ một gia đình nghèo ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cha mẹ mất khi ông chưa đầy 2 tuổi, nên ông phải ở với ông bà nội. Để bớt gánh nặng cho ông bà nội, ông Kính lên rừng lấy củi vào sau giờ học và làm bất cứ việc gì có thể. Năm 1964, học xong lớp 7 thì tự nguyện nhập ngũ vào Sư đoàn 325. Năm 1966, ông Kính cùng đơn vị vào chiến trường Bình Định. Trận công kiên ở đồn Phu Kụ, ông bị thương, xếp hạng thương binh 1/4. Năm 1969, ông Kính ra Bắc điều dưỡng ở Đoàn 201. Năm 1977, ông chuyển ngành đi học Trường sư phạm Hà Bắc rồi về dạy ở Tân Yên. Ông Kính xây dựng gia đình cùng bà Thành cùng học sư phạm người xóm Hậu - nơi ông bà sinh sống bây giờ. Vừa dạy ông Kính vừa nhận bán sổ xố kiến thiết xây dựng trường, được Ngành Giáo dục đánh giá cao.

Năm 1977, khi huyện Tân Yên có phong trào thả cá, ông bắt đầu gột cá bột vào các giờ nghỉ. Cách làm ăn này rất thành công. Ông Kính còn nuôi bò nái một năm sau có bê, ông đổi thành thóc góp vào cho bà Thành làm hàng xáo… Từ gột cá, nuôi bò, ông bà làm được ngôi nhà cấp 4 trị giá 1,2 triệu đồng, rồi ông mua được xe máy giá trên 1 cây vàng. Năm 1992, lại bán xe lấy tiền để quay vòng sản xuất.

Sau 28 năm dạy học, năm 2004, nghỉ hưu ông Kính tham gia ngay vào công việc xóm ngõ, được mọi người tin mến. Là CCB, thương binh, hội viên người cao tuổi, ông đến với các đối tượng bất đồng quan điểm để cảm hóa và thuyết phục họ xây dựng thôn làng. Chi hội CCB nhiều năm hoạt động yếu, năm 2010, ông Kính tình nguyện nhận làm Chi hội trưởng. Ông thuyết phục hội viên xây dựng lại nền nếp sinh hoạt. Chi hội vững mạnh và hoạt động hiệu quả hơn, nhiều CCB xin gia nhập Hội nhiều hơn. Năm 2011, ông Kính bồi dưỡng và bàn giao cho một hội viên mới chính ông kết nạp. Đến nay Chi hội vẫn đang phát huy tốt, tạo động lực cho thôn đạt làng văn hóa xanh sạch đẹp. Ông còn lập lại tổ liên gia số 1, nơi ông sinh hoạt. Tổ chức họp ra quy chế hoạt động và làm được nhiều việc tình  nghĩa.

Năm 2016, thấy Nhà bia nghĩa trang liệt sĩ cần được thăm nom hương khói như di tích đình chùa Ngô Xá. Ông Kính tham mưu cho Hội CCB làm đơn xin đứng ra quản lý, chăm nom không cần phụ cấp (ảnh). Tâm ý của ông được lãnh đạo xã đánh giá cao, hội viên xem đây là một phát kiến hay. Từ đó Nhà bia nghĩa trang liệt sĩ trở nên phong quang, sạch đẹp, được nhiều người tìm tới tri ân vào tuần, rằm hằng tháng. Có điều, đến thắp hương ở đây không đặt tiền, nếu có lễ vật thì ông Kính yêu cầu tự hạ lễ tán lộc. Tin lành đồn xa, nhiều nhà có tâm đã góp tiền tu bổ nâng cấp thành Nhà tưởng niệm liệt sĩ thật bề thế.

Cuộc đời và những việc làm thiện tâm của CCB Trần Đức Kính được bà con và những CCB trong vùng nể trọng và lấy làm tấm gương để học tập, noi theo.

Nguyễn Tiến Lộc