Công văn còn trích lại cả những câu Linh mục nói mà hễ cứ đọc là tôi thấy gai gai ở sống lưng. Sao Linh mục lại lẩn thẩn nói: “Ngày 30-4 là ngày mà dân tộc Việt Nam mất đi tự do, ngày mà người dân không có quyền làm người…”?
Ý Linh mục nói, vì giải phóng đất nước mà dân tộc ta mất tự do, mất quyền làm người, phải không?
Thưa Linh mục. Nói về lịch sử dân tộc Việt Nam ta bị giặc ngoại xâm dày xéo thì thật không giấy bút nào có thể ghi lại hết được. Mà kẻ xâm lược không từ một ai, kể cả đồng bào theo đạo hay không theo đạo.
Ngay như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gần đây, có những linh mục, tu sĩ, giáo dân bị chúng giết vô tội, như trận ném bom ngày 21-7-1968 của máy bay Mỹ vào Xã Đoài (Nghi Lộc, Nghệ An), làm 2 Giám mục, 3 Linh mục, một số tu sĩ giáo dân cùng nhân dân địa phương bị chết và bị thương; nhà thờ bị phá hủy.
Trận ném bom vô cớ giết hại giáo dân đó, 45 năm sau, sáng ngày 22-1-2013 còn được Đức giáo Hoàng Benedict XVI chua xót nhắc lại trong buổi hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Tòa thánh Vatican.
Hôm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất chia sẻ với Đức giáo Hoàng và nói đại ý khép lại trang sử đau thương đó để hướng tới tương lai…
Cũng xuất phát từ lòng căm thù giặc mà lớp lớp các thế hệ thanh niên đã lên đường tòng quân đánh giặc. Ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, hòa bình được lập lại trên đất nước ta, nhưng đã có hơn một triệu người con của Tổ quốc ngã xuống. Trong số những người hy sinh có không ít đồng bào theo Đạo nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng.
Linh mục đã đọc bức thư hết sức xúc động của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho bác sĩ, người Công giáo Vũ Đình Tụng, khi ngày 7-1-1947, Người biết tin con trai của bác sĩ là chiến sĩ Vũ Đình Thành vừa hy sinh do viên đạn oan nghiệt của lính Pháp sát hại.
Người viết: “Thưa ngài, tôi được báo cáo rằng, con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng, tôi không có gia đình, cũng không có con cái.
Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi.
Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc.
Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.
Ngài đã đem món của quý báu nhất là con mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc…”.
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là lời chia buồn sâu sắc, vừa là sự tri ân, tỏ lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ nói riêng, đồng bào Công giáo nói chung trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Thưa Linh mục Đặng Hữu Nam, tuy chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, nhưng hậu quả của nó thì còn vô cùng nặng nề.
Tôi và Linh mục cũng như bất cứ ai sống trên dải đất hình chữ S này dễ dàng nhìn nhận thấy, vì chiến tranh mà người mẹ kia mất con, người vợ kia mất chồng, anh thương binh này không còn lành lặn, đứa cháu nọ tật nguyền… Nhưng có những hậu quả do chiến tranh để lại cho Tổ quốc ta không dễ gì đo đếm được. Trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay, có những điều mà do non nớt trong “cuộc chiến thương trường”, chúng ta cũng phải trả giá; kể cả sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung vừa qua. Có nhiều nguyên nhân để Fomosa qua mặt (nếu như không muốn nói là lừa lọc) nhưng tựu trung lại đều do những người thực thi nhận thức chưa đến, đã để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm lòng dân không yên.
Đến nay, sự cố đã được khắc phục, biển miền Trung đã trong lành trở lại, nhưng vẫn còn những đối tượng quá khích lợi dụng lôi kéo nhân dân, trong đó có cả đồng bào Công giáo tụ tập, gây ách tắc giao thông, thậm chí đập phá trụ sở làm việc của chính quyền, đánh người thi hành công vụ, làm tình hình trở nên phức tạp hơn...
Đây là những việc làm vừa vi phạm pháp luật, vừa trái ý Chúa. Lẽ ra Linh mục phải là người hòa giải, khuyên bảo con chiên trở lại với những lời dạy bảo của Chúa mới tròn chức phận quản xứ của mình. Đáng tiếc Linh mục lại làm ngược lại!
Thưa Linh mục, người Công giáo có câu: “Lời giáo huấn là nẻo quanh, gương lành là lối tắt”. Mong rằng Linh mục hãy là tấm gương trong cho Giáo dân soi vào làm gương.
Huy Thiêm