Vũ Trọng Thư, trưởng phòng nghiên cứu không gian FSpace, thuộc Đại học FPT, cho biết hoạt động trên nhằm mục đích thử nghiệm hoạt động một số thiết bị điện tử trong môi trường tầng bình lưu (cao trên 10 km và dưới 50 km so với mặt đất), quay phim, chụp ảnh trái đất từ trên cao và thử nghiệm khả năng tìm kiếm và thu hồi thiết bị.

Khinh khí cầu được gắn camera độ phân giải 640x480 pixel. Linh kiện điện tử trong hộp kích thước 20x20x20 cm, gồm một máy GPS (hệ thống định vị xác định vị trí và độ cao) liên lạc bằng sóng FM, cứ 30 giây tự động thông báo vị trí một lần, và một máy phát GPS qua sóng điện thoại tự động hai phút một lần.Trên mặt đất có một trạm điều khiển đặt tại tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội.

Sau khi thả lên bầu trời từ Hà Nội, khinh khí cầu chứa thiết bị của nhóm nghiên cứu bay ở độ cao hơn 26 km và tự vỡ. Thiết bị vượt 170 km, rơi xuống địa phận Đầm Tròn, xã Cộng Hòa, Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Dựa vào tọa độ rơi của thiết bị, nhóm nghiên cứu phải di chuyển gần 300 km mới tìm thấy thiết bị rơi trên đầm lầy cách biển 20 m.

Hoạt động trên do FSpace phối hợp Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) thực hiện. Gắn camera lên khinh khí cầu chụp ảnh là hoạt động thường xuyên của nhiều sinh viên, kỹ sư ở các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên thực hiện thử nghiệm này.

(TH)