Từ diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, chúng sử dụng những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt như tập trung kích động, hoạt động gây rối, triệt để lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; dựa vào những vấn đề quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị, về xã hội dân sinh bức xúc để đẩy lên thành điểm nóng, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, TTATXH... Vì thế, hơn lúc nào hết, nhiệm vụ giáo dục QP-AN nói chung và bồi dưỡng kiến thức QP-AN nói riêng được Đảng, Nhà nước quan tâm coi trọng. Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu cho Thành uỷ, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị và địa phương cố gắng tổ chức thực hiện; nâng cao nhận thức về yêu cầu, nhiệm vụ QP-AN của cán bộ, đảng viên, nhân dân và LLVT được nâng cao, đi vào chiều sâu trong tâm thức của mỗi người.
Đáp ứng với yêu cầu Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã thường xuyên kiện toàn mạng lưới báo cáo viên với gần 1.000 người tại 29 quận, huyện, thị xã, lấy đội ngũ này để làm hạt nhân, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, cơ sở chuyển tải đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và nội dung về giáo dục kiến thức QP-AN sâu rộng tới quần chúng nhân dân. Đồng thời thông qua bản tin thông báo nội bộ mỗi tháng phát hành 36.000 cuốn tới các chi bộ để cung cấp tình hình quân sự, quốc phòng, an ninh...có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, trong từng thời điểm để định hướng dư luận.
Công tác QP-AN được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của Hội CCB Hà Nội. Với gần 2 vạn hội viên ở khoảng 850 cơ sở, Hội có trên 90% số cán bộ từ chi hội trở lên được bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Các cấp Hội gắn giáo dục QP-AN với tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Mỗi khi có tình huống xảy ra, Hội động viên, huy động đông đảo hội viên vào cuộc cùng các lực lượng chức năng, giải quyết nhiều vụ việc khó khăn như giải phóng mặt bằng, hòa giải, điểm nóng, tháo gỡ những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là khi các phần từ xấu, đội lốt tu hành kích động giáo dân gây rối tại những nơi nhạy cảm, góp phần ổn định địa bàn.
Quận Hà Đông có 17 đơn vị hành chính và có tới trên 700 cơ quan, công ty và 20 đơn vị quân đội đứng chân. Để đáp ứng với tình hình nhiệm vụ, không kể gần 219 ngàn học sinh, sinh viên được học tập theo chương trình quy định của các trường phổ thông, dạy nghề, cao đẳng và đại học, quận đã mở 186 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 19.826 cán bộ từ đối tượng 2 đến đối tượng 5. Quận còn thành lập Ban tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho hai giới phật giáo và công giáo; mở một lớp có 80 học viên là những chức sắc, chức việc, đạt kết quả tốt.
Tính đến tháng 6-2010, huyện Đông Anh có 18.812 cán bộ các đối tượng và đoàn viên, hội viên các đoàn thể cùng 120.000 lượt học sinh, sinh viên được bồi dưỡng kiến thức QP-AN, qua học tập đã nâng cao nhận thức, động viên mọi tầng lớp nhân dân nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
10 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã tiến hành giáo dục và bồi dưỡng QP-AN toàn diện cho gần 289 ngàn đối tượng, đào đạo gần 2.350 giáo viên chuyên trách, tổ chức học tập cho gần 4.450.000 học sinh, sinh viên, đạt tỷ lệ chung trên 99% quân số; kết quả 100% đạt yêu cầu, có phần lớn đạt khá và giỏi. Bằng nhiều hình thức như tổ chức phát động thi đua, chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn trong từng năm; nhất là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đã kịp thời biểu dương gưong ngưòi tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Từ đó giáo dục truyền thống cách mạng và tình yêu quê hương, đất nước, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, niềm tin, tinh thần cảnh giác và hành động của các tầng lớp nhân dân, tạo thành thế trận lòng dân vững chắc, để phát triển kinh tế xã hội và hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Bài và ảnh: TÔ KIỀU THẨM