Thiên thạch 2012 DA14 bay cách trái đất khoảng 27.700 km vào sáng 16/2 theo giờ Việt Nam. Tốc độ của nó hôm đó là 28.000 km/h. Với khoảng cách ấy, nó sẽ gần trái đất hơn cả những vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh.

Trong phần lớn sự kiện thiên văn, các nhà khoa học phải chờ đợi một cách thụ động để nhận tín hiệu từ vật thể trong vũ trụ. Nhưng với 2012 DA14, các nhà thiên văn của NASA sẽ chủ động phát tín hiệu về phía thiên thạch để thu thập dữ liệu về nó, Space đưa tin.

Khi thiên thạch tới gần trái đất, tín hiệu sẽ chạm bề mặt của nó sau 1,2 giây rồi quay về đĩa radar. Ở cự li ngắn nhất giữa thiên thạch và trái đất (chừng 27.700 km), tín hiệu radar chỉ cần 1/10 giây để tới bề mặt của nó.

Các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi 2012 DA14 trong nhiều ngày để tìm hiểu chuyển dộng xoay và địa hình bề mặt của viên "đá trời" này.

Dữ liệu do radar cung cấp có thể đạt tới độ chính xác rất cao, cho phép các nhà khoa học tính toán kích cỡ của 2012 DA14 với sai số nhỏ hơn nhiều so với dữ liệu từ kính thiên văn. Nhờ đó họ cũng có thể tính toán quỹ đạo của thiên thạch một cách chính xác hơn.

"Với 2012 DA14, chúng tôi hy vọng rằng các nhà khoa học có thể tính toán đường đi của nó trong vài thập niên nữa", Lance Benner, một chuyên gia của NASA, phát biểu.

Theo Vnexpress

(TH)