Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng T.Ư G20 nhóm họp tại Bengaluru, Ấn Độ.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã khiến trật tự thế giới được hình thành từ năm 1945 bị phá vỡ. Đã thế, sau 1 năm kể từ khi nó được khởi động, các liên kết mang tính toàn cầu hay thậm chí trong các khối hợp tác cũng bị chi phối mạnh mẽ. Đây là những tín hiệu tiêu cực trong lúc cần sự chung tay của các quốc gia để giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và thế giới.
Cuộc họp lãnh đạo tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Ấn Độ hôm 25-2 là một ví dụ. Khi lãnh đạo của nhóm nươc này lên án mạnh mẽ Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, đại diện của Trung Quốc và Nga từ chối ký tuyên bố chung. Trung Quốc tìm cách giảm nhẹ những chỉ trích đối với cuộc chiến Ukraine. Về phần mình, Nga cáo buộc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cản trở cuộc họp của các bộ trưởng bằng cách cố gắng ép buộc thông qua một tuyên bố chung về Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Nga: “Các hoạt động của G20 tiếp tục bị tác động bởi phương Tây và được sử dụng theo cách chống Nga”.
G20 chỉ là một trong những cuộc họp mang tính nhóm các nước, tổ chức hay diễn đàn quốc tế trong 1 năm qua bị chi phối bởi cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Các quốc gia trước đây vốn tự hào được đăng cai những sự kiện mang tính đa quốc gia thì giờ đây lại chật vật lo sao cho hoàn thành tốt nhiệm vụ ra được tuyên bố chung để không mất lòng nước khác.
Ấn Độ, với tư cách là Chủ tịch luân phiên G20, cũng gặp khó khăn trong việc nêu vấn đề về cuộc chiến ở Nga nhưng các quốc gia phương Tây tuyên bố họ không thể ủng hộ bất kỳ kết quả nào không có nội dung lên án Nga. Việc thiếu sự đồng thuận tuyệt đối giữa các thành viên G20 đồng nghĩa với việc Ấn Độ phải đưa ra một “bản tóm tắt của chủ tịch”, trong đó nước này chỉ đơn giản là tóm tắt nội dung hai ngày hội nghị và ghi nhận những bất đồng. Sơ lược bản tóm tắt như sau: Hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng cuộc chiến đang gây ra nỗi đau khủng khiếp cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu; có những quan điểm khác và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt…
Thực ra, cách Ấn Độ đưa ra bản tóm tắt của nước chủ tịch cũng giống cách Indonesia xử lý mâu thuẫn tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11-2022 bằng cách ra tuyên bố cuối cùng công nhận những khác biệt.
Trong khi G20 hay nhiều hội nghị khác bị chia rẽ về khủng hoảng Nga-Ukraine thì G7 lại đoàn kết trong nỗ lực chống Nga. Hôm 24-2, tròn 1 năm khi Nga tấn công vào Ukraine, G7 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, trong bối cảnh các cuộc đàm phán của nhóm G20 kết thúc trong sự hỗn loạn. Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Janet Yellen nhắc lại lời kêu gọi các quốc gia G20 làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine và cản trở nỗ lực chiến tranh của Nga tại một phiên họp có sự tham dự của các quan chức Nga.
Thế giới bị chia rẽ trong trường hợp này nhìn chung bởi lập trường của các quốc gia. Nhóm phương Tây quyết liệt chống Nga bằng cách cô lập Moscow về mọi mặt trong khi kêu gọi hỗ trợ tài chính và quân sự cho Kiev. Nhóm phản đối, bao gồm Nga và Trung Quốc, tìm kiếm một giải pháp chính trị trong khi Nga vẫn tiếp tục chiến sự. Nhóm còn lại - nhóm các nước trung lập - bày tỏ mong muốn có được một giải pháp hoà bình trong khi cố gắng không phải chọn bên.
Trong các mâu thuẫn do cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine gây ra, có lẽ từ “chiến tranh” là tâm điểm được chú ý ở các hội nghị lớn. Nga, một thành viên của G20 nhưng không thuộc G7, gọi các hành động của mình ở Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” và tránh gọi đó là một cuộc xâm lược hay cuộc chiến. Theo một quan chức Trung Quốc, Bắc Kinh muốn thay đổi ngôn từ của tuyên bố của G20 ở Bali từ tháng 11-2022 với việc loại bỏ từ “chiến tranh” trong khi các nước phương Tây - bao gồm Mỹ, Đức và Pháp - đã khẳng định ngôn từ của thông cáo được đưa ra tại Indonesia vào tháng 11-2022 yếu hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các quan chức G20 đã nói rằng Ấn Độ thúc đẩy một cuộc họp tránh sử dụng đến từ "chiến tranh" trong bất kỳ thông cáo nào. Ấn Độ đã giữ lập trường trung lập, tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và tăng mạnh việc mua dầu của Nga.
Một khi các quốc gia còn chưa thống nhất được cách dùng từ để mô tả hành động quân sự của Nga ở Ukraine trong các cuộc họp, đó là biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy thế giới vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc.
Thanh Huyền