Sinh năm 1954, vừa tròn 16 tuổi, Tăng Văn Bá đã tham gia bộ đội ở huyện An Biên (nay là huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang).
Sau hơn 10 năm phục vụ trong quân đội, năm 1978 anh phục viên với cấp hàm thiếu úy, thương binh 4/4 lại bị nhiễm chất độc da cam. Cuộc sống gia đình vô vàn khó khăn khi lần lượt 5 đứa con chào đời (1 cháu bị nhiễm chất độc da cam đã mất năm 2012). Năm 1988, anh quyết ra đảo Lại Sơn (thuộc huyện Kiên Hải) với đủ mọi nghề bốc vác, thẻ mực thuê, nghĩa là ai thuê gì làm nấy miễn là có tiền để nuôi con là anh đều tham gia. Tới năm 2012 anh được nhận căn nhà tình nghĩa. Thấy bố mẹ vất vả mưu sinh nên các con của anh đều cố găng và học hành tiến bộ, ba cháu đã có việc làm ổn định, một cháu đang học cao đẳng. Việc nhà chu đáo, việc của Hội luôn vẹn tròn, thường xuyên tranh thủ thời gian để cùng với anh em trong chi hội bàn bạc hiến kế về công tác xây dựng Hội. Kết quả nhiều năm liền chi hội ấp đạt Chi hội TSVM. Vận động góp vốn xoay vòng không lãi, mỗi hội viên nhận được 5 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, vì thế chi hội với 55 hội viên hiện nay không còn hộ nghèo. Là thành viên tổ bảo vệ an ninh trật tự trong ấp, bản thân anh luôn cùng với anh em trong tổ tuần tra canh gác, kịp thời giải quyết những vụ gây mất đoàn kết hoặc gây rối trật tự công cộng.
Là người có kiến thức về y học cổ truyền anh được chính quyền địa phương giao cho nhiệm vụ bốc thuốc nam trị bệnh, dù tiền thù lao không nhiều nhưng anh luôn ân cần với người bệnh. 5 năm qua, anh đã khám cho 8.504 lượt bệnh nhân, bốc 95.016 thang thuốc miễn phí cho người nghèo trị giá 475 triệu đồng. Ngoài ra còn vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm giúp đỡ tiền để mua dụng cụ phòng khám và dược liệu quý cho nhà thuốc trị giá 140 triệu đồng, quỹ từ thiện 105 triệu đồng…
Với những thành tích trên ba năm qua, CCB Tăng Văn Bá được tặng giấy khen của tỉnh và Huyện hội; UBND huyện Kiên Hải công nhận là “Lao động tiên tiến” và bà con trên đảo thường gọi anh với cái tên trìu mến “Thầy lang Bá”.
Hoa Phượng