Sau hơn mười năm tham gia vệ quốc, người thương binh hạng 2/4 Thái Khắc Hoàng được nhà nước nuôi dưỡng tại Trại điều dưỡng Thương binh số 1 (huyện Yên Thành, Nghệ An). Rồi ông lấy vợ, sinh con.

Tưởng chừng ông sẽ yên ổn với sự nuôi dưỡng của nhà nước. Thế nhưng, “chất lính” trong ông không hề vơi bớt. Trong ông luôn khắc khoải tìm cách làm sao để “tàn mà không phế”. Nên ông vận động các thương binh, cùng nhau ôn luyện lại kiến thức phổ thông đã được học trước khi nhập ngũ. Năm 1973, ông cùng mười bảy người thương binh Nghệ An, lên đường ra Hà Nội dự thi đại học. Kết quả thật bất ngờ, có mười hai người đậu đại học. Riêng ông, là một trong năm người có điểm thi cao nhất. Sau bốn năm học đại học sư phạm, ông trở về làm Thầy giáo dạy văn ở trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng, Vinh, Nghệ An. Hàng ngày, người Thầy có ống tay áo bạc màu, lủng lẳng theo nhịp đạp của chiếc xe đều đặn đến trường.

Thầy giáo Thái Khắc Hoàng (đứng sau) cùng những người khuyết tật tại Hội nghị Khuyết tật toàn quốc

Khi được nghe những bài giảng của thầy về các tác phẩm chiến tranh, chúng tôi như thấy chính mình đang hành quân trên những cung đường với khúc ngầm, con suối. Như nghe được tiếng đoàn quân ầm ào dưới những tán rừng. Như được sống với tình yêu thoát ra từ mưa bom, bão lửa. Và được cảm nhận sâu hơn nỗi đau của người lính, lúc tự tay chôn cất đồng đội bị hy sinh. Thầy luôn nói khi kết thúc bài giảng: “Một dân tộc sẽ mạnh mẽ hơn sau mỗi lần đau khổ” …
Năm 2000, lớp học trò chúng tôi ra trường. Thầy cũng về nghỉ hưu sau 25 năm dạy học. Không chịu nhàn rỗi, thầy tham gia vào hội khuyến học và hội chữ thập đỏ địa phương, làm cầu nối giúp các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Người dân phường Hà Huy Tập (Tp Vinh) đã quá quen với hình ảnh ông giáo già lững thững trong nắng chiều, ống tay áo bên trái đung đưa, đung đưa.. đạp xe đến từng nhà vận động các gia đình đừng để con em mình bỏ học.
Qua những lần tiếp xúc với những người có số phận và cơ thể kém may mắn, bao ký ức trong thầy của một thời khói lửa hiện về với nhiều nỗi niềm đau đáu. Nỗi ám ảnh những trận sốt rét rung người, những cánh rừng bạc trắng chất độc da cam ở Trường Sơn làm Thầy hằng đêm trăn trở, thôi thúc phải làm một việc gì đó giúp đồng đội xưa.
Chính vì thế mà năm 2012, Thầy cùng những người có tâm huyết và nhiều người kém may mắn khác đã thành lập Hội người khuyết tật thành phố Vinh, để giúp đỡ nhau hòa nhập xã hội. Với cương vị là chủ tịch hội, Thầy luôn tâm niệm phải truyền được “chất lính” cho các hội viên của mình vững bước, tự tin bước vào cuộc sống.
Qua tìm hiểu, tôi đã tìm đến cơ sở may thời trang Lưu Ngọc Hà (phường Vinh Tân – Tp Vinh), một trong 9 hiệu may của người khuyết tật thành phố. Chủ hiệu may và bốn thợ tại đây đều là thành viên của hội. Quan sát đôi tay điêu luyện và ánh mắt tự tin của những người thợ may đặc biệt này, tôi cảm nhận ở họ không có chỗ cho sự tự ty, mặc cảm về sự khiếm khuyết cơ thể.
Nhìn những bộ quần áo thời trang nhiều màu sắc được trao cho khách, tôi tin các em đã hoàn toàn đứng vững trên đôi chân kém may mắn của mình, vững bước trên con đường hòa nhập.
Tôi cũng tin rằng, Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong Thầy đã được những con người kém may mắn về mặt hình thể nơi đây, đón nhận một cách trọn vẹn nhất. Thầy ơi, có thể Thầy không còn nhớ em là cậu học trò năm xưa có lần đã hỏi thầy về “quy tắc bàn tay trái”. Với em, thì em luôn mãi nhớ lời Thầy hôm đó: “Khuyết tật về hình thể không đáng sợ bằng sự khuyết tật về tâm hồn”.
Và càng ngày chúng em càng hiểu, tuy thầy không nói nhiều về đạo làm người tử tế. Nhưng chính tâm gương tận tuy, hi sinh, hết lòng vì người khác của thầy đã là pho sách vô giá để dậy chúng em theo thầy: Sống tử tế. Chính vì thế mà lớp lớp học trò qua sự dậy bảo của thầy đã hầu hết trưởng thành. Người có cương vị cao, người có cương vị thấp là do khả năng của mỗi người, nhưng đều là những người sống tử tế./.
Bài, ảnh: Thế Sơn