Trong những ngày qua, nước lũ bủa vây huyện Lệ Thủy, giao thông chia cắt, nhiều làng xóm bị cô lập.

Khúc ruột” miền Trung lại thắt đau.

Như hàng thế kỷ nay đến mùa bão, lũ, miền Trung lại mưa to - lượng mưa kỷ lục dội xuống. Lại lũ dữ cuốn nhà, cuốn đường sá, cầu cống, thậm chí cuốn người...

Năm nay đau thương hơn. Có cả lực lượng đi chống lũ, cứu dân bị chính nước lũ đẩy sông, đẩy núi vùi lấp liền hàng chục mạng người! Đau thương quá! có cả một thiếu phụ bị lũ cuốn trôi trên đường đi sinh nở!

Cũng khác những năm trước, năm nay có mấy quả núi; có những tảng đá hàng trăm tấn đổ ập xuống đường, đổ ập xuống nhà làm hàng chục người thiệt mạng...

Cả nước vì miền Trung, người có của giúp của, người có công giúp công, với những nghĩa cử rất cao đẹp. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Đó là mệnh lệnh từ trái tim...

Nhưng lẽ nào cứ hết năm này đến năm khác, thập niên này đến thập niên khác miền Trung vẫn ám ảnh với lũ dữ như thế? Lẽ nào cứ sau một trận lũ người dân lại trắng tay. Lẽ nào người dân cứ nơm nớp sống trong lo sợ, cám cảnh để bão, lũ tàn phá như một định mệnh!

Câu hỏi miền Trung có sống chung được với bão, lũ không? Chắc chắn là có và phải có. Vì bão, lũ rồi vẫn thế, thậm chí còn giữ giằn hơn do biến đổi khí hậu... Còn bao giờ miền Trung sống chung được với bão lũ, là phụ thuộc vào chính người miền Trung, biết bảo vệ rừng, biết phủ xanh đất trống đồi trọc...

Đặc biệt ở cấp Quốc gia phải sớm có một quy hoạch tổng thể sống chung với lũ cho cả miền Trung và cho mỗi tỉnh, mỗi huyện, thậm chí mỗi xã - trên cơ sở thuận thiên. Nghĩa là, khúc sông này tuyệt đối không được ngăn dòng chảy; vùng đất kia tuyệt đối không được định cư...

Nếu còn chia cắt; còn mạnh ai nấy làm - lại chạy đua vắt kiệt thiên nhiên,  thì “khúc ruột” miền Trung còn đau thương, còn hãi hùng và còn bị Mẹ thiên nhiên nổi giận.

Huy Thiêm