Theo đó từ tháng 10/2003, Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Ba-li II), nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC); đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi ở khu vực. Để triển khai và kế tục Chương trình Hành động Hà Nội (HPA), ASEAN đã đề ra Chương trình Hành động Viên Chăn (VAP) cho giai đoạn 2004-2010 và các Kế hoạch hành động (KHHĐ) để xây dựng ba trụ cột Cộng đồng về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, trong đó có hợp phần quan trọng là thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) nhằm giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN với kế hoạch hành động và các dự án cụ thể.
Tuy vậy, để kịp thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực cũng như trên cơ sở những thành tựu của ASEAN trong 40 năm qua nhất là kết quả thực hiện Chương trình Hành động Viên Chăn (VAP), Lãnh đạo các nước ASEAN tháng 1/2007 đã quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhất trí mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 (thay vì vào năm 2020 như thỏa thuận trước đây).
Theo đó, ASEAN đã khẩn trương xúc tiến xây dựng các Kế hoạch tổng thể (Blueprint) để xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC), trong đó đề ra mục tiêu và thời hạn hoàn thành đối với từng biện pháp/hoạt động cụ thể.
Theo ông Nguyễn Tiến Minh, Vụ trưởng vụ ASEAN Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Thư ký ASEAN Quốc gia Việt Nam thì tính đến nay các công việc chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đã hoàn thành khoảng 80-90% và theo dự kiến Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra mắt ngày 31-12-1015. Khẳng định Cộng đồng ASEAN có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết các vấn đề chính trị, an ninh khu vực. Trước tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, chúng ta cần thúc đẩy các nước tôn trọng và ủng hộ nguyên tắc của ASEAN đó là đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển, thực hiện đầy đủ DOC và sớm tiến tới COC. Chỉ tính riêng trong năm nay, ASEAN đã ra 4 tuyên bố về Biển Đông. Đặc biệt là tuyên bố ngày 10/5 của các ngoại trưởng ASEAN giữa thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN. Đây là lần đầu tiên, các ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố riêng về vấn đề đang diễn ra. Cũng là lần đầu tiên sau gần 20 năm, ASEAN ra một tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Điều này thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung.
Hoàng Linh