CCB Đào Duy Tống (bên phải) kiểm tra chất lượng sản phẩm gỗ ván bóc.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, sau 8 năm gắn bó với nghề chế biến gỗ, CCB Đào Duy Tống, thôn Cổng Châu, xã Đồng Hưu (Yên Thế - Bắc Giang) đã trở thành ông chủ với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sau xuất ngũ, CCB Đào Duy Tống làm công nhân tại Công ty Khoáng sản Hà Bắc. Năm 2013, ông nghỉ chế độ, nhận thấy tiềm năng kinh tế đồi rừng ở địa phương ngày càng phát triển, ông mạnh dạn vay 300 triệu đồng mở xưởng thu mua, chế biến gỗ tại địa phương. Ban đầu, với 1 bộ máy và 15 lao động, do chưa có kinh nghiệm quản lý, thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật nên các sản phẩm làm ra chất lượng thấp, khó tiêu thụ. Cùng đó, số vốn còn hạn hẹp, diện tích xưởng nhỏ, việc duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Những khó khăn đó không những không làm ông nản chí mà còn như một lực thôi thúc ông vươn lên. Trong tiếng máy ầm ào, ông Tống chia sẻ: “Việc hăng say học tập, nghiên cứu giúp tôi phát triển được cơ ngơi như hôm nay. Mỗi ngày, ngoài quản lý, làm việc tại xưởng, tôi dành thời gian tìm tòi học hỏi qua sách, báo, mạng Internet; rồi đến các cơ sở đi trước ở tỉnh bạn để “mắt thấy, tay sờ, tai nghe” củng cố thêm kiến thức, kinh nghiệm quản lý áp dụng vào thực tế sản xuất tại xưởng mình”.

Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, ông tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đặc biệt thị trường khó tính như các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản…

Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, xưởng ván bóc của gia đình ông hoạt động ngày một hiệu quả. Đầu năm 2015, ông Tống cùng gia đình quyết định mở rộng quy mô nhà xưởng từ 7.000m2 lên 6ha, với 3 nhà xưởng. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, các xưởng hoạt động liên tục, chế biến được hơn 100m3 ván/ngày, tạo việc làm cho 70 lao động, trong đó có 30 hội viên và con em CCB địa phương.

Chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất gỗ ván bóc, ông Tống cho biết: “Để sản phẩm có chất lượng cao bao gồm nhiều yếu tố như cài đặt chế độ máy bóc, ủ, phơi ván bảo đảm độ khô vừa phải, tránh cong vênh và bảo quản ván trước khi xuất xưởng. Khó nhất là công đoạn kiểm tra dao cắt để không bị sai số kích thước ván. Thời gian ủ ván phải từ 10 đến 15 ngày trước khi phơi và nhiệt độ khi phơi từ 18 đến 22 độ thì ván bóc đạt chất lượng tốt nhất”.

Trò chuyện cùng anh Tô Văn Hảo - tổ trưởng tổ bóc của xưởng, anh cho biết: “Tổ tôi có 7 người cùng làm lương chia đều, mỗi người trung bình được khoảng 16 triệu đồng/tháng. Cả xưởng có 3 tổ như vậy. Mỗi một tổ bóc kèm theo một tổ phơi từ 8-9 người”. Chị Triệu Thị Minh - lái xe điện chở ván đi phơi thêm vào câu chuyện: “Ông chủ trang bị xe điện, chúng tôi phơi ván đỡ vất vả mà năng xuất lại cao. Như tôi đây, cũng làm từ năm 2015 đến nay, cứ hết tháng là có lương, đều đặn mỗi tháng cũng 15-16 triệu đồng.

Từ chế biến gỗ ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi dạy các con trưởng thành. Mô hình của ông mở ra một hướng đi mới cho nghề chế biến lâm sản để các gia đình trên địa bàn xã Đồng Hưu nói riêng và các xã trong huyện nói chung mạnh dạn tìm hướng đi mới, phát huy lợi thế của địa phương, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Cùng với phát triển kinh tế gia đình, CCB Đào Duy Tống thường xuyên giao lưu với bà con trong xóm; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp mọi người trong cộng đồng dân cư cùng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Hưởng ứng phong trào “CCB chung tay xây dựng nông thôn mới” do các cấp Hội và địa phương phát động, ông đã bàn bạc với gia đình hiến 360m2 đất ở mở rộng đường giao thông, ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây nhà văn hóa, nâng cấp đường giao thông. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động. Trong năm 2021, ông đã ủng hộ Quỹ vì người nghèo 50 triệu đồng, “Tết vì người nghèo” 40 triệu đồng, “Tết thiếu nhi” 20 triệu đồng và ủng hộ hàng chục triệu đồng cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều năm qua, gia đình CCB Đào Duy Tống đều đạt danh hiệu gia đình văn hoá ở các cấp xã, huyện, tỉnh. Ông được Hội CCB tỉnh, T.Ư Hội CCB Việt Nam tặng nhiều Bằng khen.

Trung Anh