Đi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, chúng tôi nhận thấy những cách làm phổ biến được Thường trực Tỉnh hội ở đây thực hiện khá đầy đu, ráo riết, như mở rộng hơn việc vay vốn uỷ thác của ngân hàng CSXH; tăng cường hơn các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, nâng cao kiến thức làm kinh tế cho hội viên; thậm chí tăng quỹ Hội hằng năm lên 10%, trong đó quy định rõ phải dùng 60% quỹ giúp hộ nghèo làm vốn sản xuất… Nếu chỉ như thế, thì tỉnh, thành nào chả làm vậy, sao xóa nghèo nhanh được.
Nhớ một lần trao đổi xung quanh chủ đề này, Trung tướng Phó chủ tịch T.Ư Hội CCB Việt Nam Nguyễn Văn Đạo có nói: “Bài học lớn nhất của Hải Phòng là đã biết phát huy mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực vào công tác xóa nghèo của Hội”, tôi tìm đến Phó chủ tịch Hội CCB TP Nguyễn Đức Xóm, đề nghị anh chứng minh:

  • Đúng thế đấy - anh Xóm kể: Từ năm 2007 tới nay, chúng tôi mở ra hai chương trình phối hợp xóa nghèo. Chương trình thứ nhất mang tên “Đề án 873”, ký với Bộ chỉ huy quân sự TP, thời hạn 2007-2010, ghi rõ mỗi năm mỗi hội viên đóng góp 10 ngàn đồng trở lên; bên lực lượng vũ trang thành phố thì mỗi năm, mỗi cán bộ, chiến sĩ tại ngũ ứng một ngày lương; dân quân tự vệ thì ủng hộ 20 ngàn đồng. Kết thúc chương trình 1, Hội CCB và BCH QS lại ký kết chương trình phối hợp với Hội CCB khối Doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp thương bệnh binh và CCB với tên “Doanh nghiệp, doanh nhân CCB Hải Phòng chung sức, chung lòng xóa nghèo cho CCB TP” giai đoạn 2011-2013, với mức: hội viên nâng lên 20.000 đồng/năm; các đơn vị làm kinh tế thì đóng góp theo chỉ tiêu của Ban chỉ đạo. Kết quả rất lớn: Chương trình phối hợp thứ nhất thu được 3.572 triệu; chương trình thứ hai được 7.145 triệu. Xin kể thêm với anh: Cuộc vận động có sức cuốn hút không nhỏ, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn rất hồ hởi tham gia: BTL Hải quân, Sư đoàn Phòng không 363, Nhà khách QK 3, Công ty đóng tàu Hồng Hà Bộ Quốc phòng, Vùng 1 cảnh sát biển, Vùng 1 Hải quân…
    Cùng với số tiền trên, còn tổng dư nợ uỷ thác của CCB thành phố với 227.018 triệu; nguồn vốn do các cấp Hội tự khai thác 5.992 triệu; vay của các tổ chức tín dụng 29.093 triệu; lại quỹ do hội viên đóng góp 19.961 triệu… Cộng lại, quả là một nguồn vốn khổng lồ, Hải Phòng sẽ quản lý, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho hội viên nghèo thế nào đây? Tôi mang câu hỏi này tới gặp Đại tá Hồ Luyện, Chủ tịch Hội CCB TP. Anh cười vang:
  • Hỗ trợ trực tiếp; bảo đảm công khai dân chủ và đồng thuận; bảo đảm 100% hội viên nghèo được vay vốn… Mà chúng tôi không trao tiền mặt đâu nhé – chẳng hạn nguồn tài chính thu được sau chương trình phối hợp 1, tức là cái “Đề án 873” đó, chúng tôi biến thành 94 con trâu, 152 con bò, tiền còn chuyển cho 177 hộ nuôi lợn, 34 hộ nuôi thủy sản, 59 hộ nuôi gia cầm, 106 hộ được trang bị công cụ sản xuất, 13 hộ làm VAC và tăng 44 sổ tiết kiệm với 8 ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội”… Nghĩa là chúng tôi làm đúng như sự chỉ đạo của T.Ư Hội CCB Việt Nam “Cho cái cần câu, chứ không cho con cá”; không những thế, còn hướng dẫn cách câu và chỉ cho chỗ câu để kiếm được “con cá to” nữa kia…
    Và Đại tá Hồ Luyện dẫn chứng: Như Hội CCB huyện Kiến Thụy chẳng hạn, thấy hội viên nghèo Bùi Đức Cần ở thị trấn Đối, nhà gần mặt đường, liền bàn với gia đình mua máy nổ bơm nước rửa xe; nhà hội viên nghèo Lương Văn Triệu ở xã Đông Phương lọt giữa khu dân cư đông đúc, liền bàn với gia đình mua máy xay xát gạo. Cũng với cách tính toán đó, Huyện Hội Kiến Thụy hỗ trợ vốn cho CCB Phạm Văn Phẩm ở Minh Tân mua 5 bộ bàn ghế bán nước giải khát; hoặc hỗ trợ vốn cho hội viên nghèo Phạm Văn Lều mua chum, vại và nguyên liệu để chế biến nước mắm…
    Bài và ảnh:
    NGUYỄN PHÚC ẤM