Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài thơ chúc Tết của Người năm 1969.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới vào các năm 1980, 1990, 2013. Tiến sĩ Phan Tử Phùng - Phó chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, thuộc Ban Vận động UNESCO vinh danh Nguyễn Du cho rằng: Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nguyễn Du, theo đúng cách gọi của UNESCO, là “Những Vĩ nhân Văn hóa” (Great Personalities). Bởi vậy, thật thú vị khi vào mùa xuân, chúng ta được nghe tâm sự của các Vĩ nhân Văn hóa trong những bài thơ.

Tâm sự của Nguyễn Trãi trong thơ xuân

Nguyễn Trãi (1380-1442) không chỉ là quân sư giỏi của khởi nghĩa Lam Sơn, người có công lớn trong việc giải phóng dân tộc ta thoát khỏi sự đô hộ của giặc Minh mà còn là một nhà văn, một nhà thơ nổi tiếng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Thơ Nguyễn Trãi là tâm hồn của Nguyễn Trãi, trong sáng và đầy sức sống. Thơ Nguyễn Trãi... là thơ của một người yêu đời, yêu người, tâm hồn Nguyễn Trãi sống một nhịp với non sông đất nước tươi vui” (Phạm Văn Đồng, “Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ”). Còn tác giả Hoài Vân trên Báo Tổ Quốc, thì viết: “Với Nguyễn Trãi đọc thơ xuân hoá ra đọc được cả con người”.

Với tâm hồn “yêu đời, yêu người”, mùa xuân trong thơ Nguyễn Trãi có cái đẹp của thiên nhiên nhưng vẫn chan chứa tình người:

Cỏ xuân đầu bến xanh như khói

Thêm lại mưa xuân trời nước đầy

Đường nội vắng teo hành khách ít

Thuyền côi gác bãi ngủ thâu ngày.

(“Bến đò xuân đầu trại”)

Và mùa xuân cũng khiến con người Nguyễn Trãi thêm “yêu đời, yêu người”:

Sắc xuân bên mắt khiến người say

(“Đêm đậu thuyền ở cửa biển cảm hứng”)

Với Nguyễn Trãi, khi vạn vật “bén” hơi xuân cũng là lúc tâm hồn ông thăng hoa. Nhờ vậy tâm hồn “trong sáng và đầy sức sống”, “yêu đời, yêu người” của Nguyễn Trãi đã “sống một nhịp với non sông đất nước tươi vui”:

Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm

Đầy buồng lạ, màu thâu đêm

Tình thư một bức, phong còn kín

Gió nơi đâu, gượng mở xem.

(“Cây chuối”)

Trong thời khắc mùa xuân sắp qua, Nguyễn Trãi đã nuối tiếc và... làm thơ. Trong tiếng cuốc kêu, Nguyễn Trãi như thấy rằng xuân đang đang già đi, tức là xuân đã muộn:

Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn

Khách tục không ai bén mảng gần

Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn

Ðầy sân mưa bụi nở hoa xoan.

(“Chiều Xuân tức cảnh”)

Do đó, Nguyễn Trãi cũng khao khát được trẻ lại và nuối tiếc vì tuổi trẻ đã qua:

Xuân xanh chưa dễ hai phen lại,

Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên.

(“Tích cảnh” bài 3)

Tâm sự của Nguyễn Du trong thơ xuân

Nguyễn Du (1765-1820) được biết đến là “Đại thi hào của dân tộc Việt Nam”. Nguyễn Du là một người rất thích mùa Xuân, rất thích vẻ đẹp của mùa xuân dù cuộc đời ông luôn u sầu vì thời thế. Ông viết:

Một năm xuân đẹp chín mươi ngày.

(“Làm thơ vào cuối xuân”)

Và:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

(Truyện “Kiều”)

Với chim én bay đi bay lại, chao liệng như thoi đưa, Nguyễn Du cho thấy ngày xuân trôi qua nhanh. Bởi thời điểm này đã bước sang tháng ba. Tuy nhiên, cảnh xuân lúc này là một bức họa tuyệt đẹp. Màu xanh là chủ đạo nhưng “điểm” vào đó là một tí màu trắng khiến cảnh vật thật dịu êm và thanh khiết, khiến người đọc có một cảm giác vô cùng dễ chịu.  

Tâm sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thơ xuân

Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cho cách mạng. Quan niệm về thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được Người bày tỏ rõ ràng:

Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

(“Cảm tưởng khi đọc Thiên gia thi”).

Bởi vậy, thơ về mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đượm tinh thần cách mạng.

Đó là:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

(“Rằm tháng giêng”).

Và:

Nếu không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân

Nghĩ mình trong bước gian truân

Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng.

(“Tự khuyên mình”).

Bài thơ “Tự khuyên mình” được Chủ tịch Hồ Chí Minh làm khi bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt và cầm tù từ tháng 8-1942 đến 9-1943. Mùa xuân ở đây được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong mối tương quan đối lập với mùa đông. Đông về, giá lạnh, khắc nghiệt, tượng trưng cho khó khăn, gian khổ khi Người đi tìm đường cứu nước và về nước làm cách mạng rồi bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt và cầm tù. Xuân tới, ấm áp, tươi vui, tượng trưng cho cách mạng thắng lợi, nhân dân đã làm chủ được vận mệnh của mình. Bốn mùa luân chuyển, hết đông sẽ tới xuân, có nghĩa là cách mạng rồi sẽ tất yếu thắng lợi, đó chính là một niềm tin tất thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vậy, cuộc sống người làm cách mạng ở trong ngục tù của kẻ thù như Chủ tịch Hồ Chí Minh tự khuyên mình cũng vậy. Để có được ngày xuân rạng rỡ, huy hoàng, nghĩa là những ngày xuân Độc lập - Tự do cho dân tộc Việt Nam thì người làm cách mạng đừng ngại ngục tù, gian truân, vất vả, hy sinh.

Do đó, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mùa xuân năm 1946 thực sự là mùa xuân đầu tiên của nước Việt Nam mới và cái Tết năm đó thực sự là Tết Độc lập, Tự do. Trong một bài thơ chúc mừng một tờ báo đăng trong số Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

Tết này mới thực Tết dân ta

Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia

Độc lập đầy vơi ba chén rượu

Tự do vàng đỏ một rừng hoa

Mọi nhà vui đón Xuân Dân chủ

Cả nước hoan nghênh Phúc Cộng hòa.

(“Mừng báo Quốc gia”)

Với tinh thần “Suốt năm kế hoạch, định từ mùa xuân”, thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm Nhâm Thìn (1952) chỉ ngắn gọn nhưng súc tích bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa: “Xuân này, Xuân năm Thìn…/ Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta/ Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết bài “Mừng Tết Nguyên Đán như thế nào?” (ngày 18-1-1960) nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn Tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn Tết vui vẻ, tiết kiệm. Người nhận định: “Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân”. Và Người làm thơ kêu gọi: Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trồng cây không chỉ là lợi ích kinh tế trước mắt mà còn là mùa xuân vững bền của đất nước, của dân tộc. Bởi vậy. Người làm thơ kêu gọi: Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Trong mùa xuân năm 1969, khi kẻ thù còn âm mưu chia cắt lâu dài hai miền Nam - Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định về mùa xuân thống nhất của đất nước sẽ là mùa xuân vui nhất của dân tộc ta. Và ước nguyện đó của Người đã được thực hiện trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 khi quân dân ta đã đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”!

(Thơ chúc Tết 1969)

Do đó, thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi mùa xuân về như Người bày tỏ là: Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân (Chúc Tết Giáp Thìn - 1964).

Huế, ngày 23-1-2024

Nguyễn Văn Toàn