Việc khôi phục cầu Long Biên đã được tư vấn Pháp và Việt Nam nghiên cứu nhiều năm nay. Trước đây, dự kiến 2 phương án: có đường sắt đi qua và không có đường sắt. Tuy nhiên, trong quá trình lập dự án đường sắt nội đô tuyến số 1, việc nghiên cứu, bảo tồn cầu Long Biên gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng quyết định xây dựng một cầu đường sắt mới qua sông Hồng. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1. Đường sắt sẽ đi trên cầu mới chứ không đi trên cầu cũ.

Theo dự án đường sắt đô thị số 1, khi xây dựng cầu đường sắt trên cao tải trọng sẽ rất lớn. Với cầu Long Biên, hiện tại nhiều mấu, trụ không thể đáp ứng được tiêu chí của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và không bảo đảm an toàn. Vì thế, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ và được phép tách thành 2 dự án riêng. Hiện đơn vị tư vấn là Tổng công ty tư vấn Bộ Giao thông Vận tải đã được giao lựa chọn phương án khôi phục cầu trên cơ sở đảm bảo yếu tố bảo tồn và cảnh quan. Các bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội cũng thống nhất với phương án khôi phục cầu phục vụ cho giao thông đô thị. Quan điểm của tư vấn Pháp là phục vụ cho đi bộ, ngắm cảnh và phương tiện giao thông nhẹ.

Quan điểm của thành phố Hà Nội là bảo tồn tôn tạo, tức là sẽ xây dựng cầu Long Biên theo đúng hình dáng cũ kể cả về mấu trụ nhưng sẽ phục vụ cho giao thông đô thị. Khi đó, ngoài xe đạp, xe máy, ôtô cũng sẽ được lưu thông trên cầu, người đi bộ tham quan. Với quan điểm này có thể hệ thống đường ray sẽ phải dỡ bỏ vì không phù hợp.

Hiện dự án đã ký hợp đồng tư vấn, khảo sát kỹ thuật. Công tác giải phóng mặt bằng đang được đẩy mạnh. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ được thực hiện vào năm 2012 kết thúc vào 2017. Cùng thời gian đó sẽ tiến hành khôi phục cầu Long Biên, dự kiến khởi công vào 2013.

Hoàng Linh (TH)