Ngày 13-11, Quốc hội thảo luận lần đầu ở tổ về dự án Luật Kiểm toán độc lập với 8 chương, 70 điều. Nhiều ý kiến đánh giá việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập sẽ tạo ra khung pháp lý cao nhất về kiểm toán độc lập, tạo điều kiện cho dịch vụ kiểm toán phát triển; đồng thời nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước thông qua việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp kiểm toán, cấp chứng chỉ kiểm toán viên và các biện pháp nhằm nâng cao năng lực giám sát, cưỡng chế thực thi, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán. Luật Kiểm toán độc lập sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với dịch vụ kiểm toán, trong đó có doanh nghiệp có liên quan đến lợi ích công chúng bắt buộc phải kiểm toán.

***Quy định chặt chẽ giá trị báo cáo kiểm toán ***

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, sản phẩm của kiểm toán độc lập là những thông tin kinh tế tài chính đã được các kiểm toán viên có đủ năng lực và độc lập xác nhận về mức độ phù hợp với các chuẩn mực đã được thiết lập. Vì vậy, nó là căn cứ quan trọng cho các bên thứ ba như cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng... đưa ra các quyết định kinh tế, các cơ quan quản lý sử dụng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau 19 năm hoạt động, kiểm toán độc lập đã phát triển nhanh về số lượng và quy mô cũng như năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ cung cấp. Tuy nhiên, con số 162 doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán tính đến tháng 6/2010, với trên 6.700 người làm việc, trong đó chỉ có 1.800 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên là còn khiêm tốn so với trên 500.000 doanh nghiệp hiện nay.

Tờ trình cũng cho biết quy mô thị trường kiểm toán còn nhỏ, số lượng kiểm toán viên còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã - hội. Đặc biệt, việc kiểm soát các kiểm toán viên mới chỉ đi sâu vào kiểm tra sự tuân thủ pháp luật mà chưa đi sâu đánh giá chất lượng kết luận của báo cáo kiểm toán do cơ quan quản lý không đủ lực lượng cán bộ có chứng chỉ hành nghề để kiểm tra.

Tán thành với việc ban hành dự án Luật, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc ban hành Luật sẽ tạo ra một khung pháp lý cao nhất về kiểm toán độc lập, tạo điều kiện cho dịch vụ kiểm toán phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập của các doanh nghiệp hiện nay.

Một trong những vấn đề được Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh là cần có quy định chặt chẽ về giá trị của báo cáo kiểm toán, đồng thời làm rõ bản chất và sự khác nhau giữa kiểm toán độc lập với kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ.

***Kiểm toán viên không được hành nghề với tư cách cá nhân ***

Thảo luận cụ thể dự án Luật, các đại biểu Phạm Thị Loan, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) nhất trí cao với việc ban hành luật này bảo đảm sự minh bạch, công khai trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

Đối với kiểm toán bắt buộc, là giám đốc doanh nghiệp tư nhân lớn, đại biểu Phạm Thị Loan ủng hộ việc cần thiết bổ sung thêm đối tượng bắt buộc phải kiểm toán bao gồm báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) lại cho rằng, không nên để kiểm toán độc lập vào kiểm toán các dự án, doanh nghiệp nhà nước bởi đã có kiểm toán Nhà nước thực hiện.

Đại biểu Phạm Thị Loan lập luận, nếu quy định như quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Đào là có sự phân biệt giữa “nhà nước” và “tư nhân”, trong khi chúng ta đang cố gắng thực hiện bình đẳng trước pháp luật giữa các cơ quan, tổ chức với nhau.

Đề cập đến chế tài đối với doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên, nhiều đại biểu đề nghị cần siết chặt hơn nữa hoạt động kiểm toán, bởi kiểm toán độc lập là hoạt động đặc thù, đòi hỏi kiểm toán viên phải có chuẩn mực đạo đức cao, có trách nhiệm lớn trong việc bảo đảm tính chính xác, tính trung thực, tính tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu để cho các kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân thì không thể kiểm soát được các hành vi và mối quan hệ của cá nhân kiểm toán viên trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Tán thành với quy định trên, đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) nêu thực trạng, thực tế hiện nay việc đi “mua” một báo cáo kiểm toán là điều khá dễ dàng. Do đó, quy định chế tài nghiêm khắc là điều cần thiết đối với kiểm toán độc lập.

TRÍ KIÊN