Việc điều chỉnh khung giá điện mới, giá bán lẻ điện của Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới.

Theo Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân vừa được Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 3-2-2023, thay thế Quyết định 34/2017/QĐ-TTg ngày 25-7-2017.

Ban hành khung mới

Theo đó, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với Quyết định 34/2017/QĐ-TTg thì khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh (mức giá cũ là 1.606,19 đồng/kWh); mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa tăng 537,67 đồng/kWh (mức giá cũ là 1.906,42 đồng/kWh). Cùng đó, khi có biển động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.

Trước đó, tại Hội nghị do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức cuối tháng 12-2022, tại T.P Hà Nội, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Từ đầu năm 2022, do biến động giá của các loại nhiên liệu như than, dầu, khí... trên thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao trong khi giá điện không tăng từ năm 2019. Theo phê duyệt của Bộ Công thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng.

Theo dự báo, giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có dấu hiệu giảm về mức bình quân năm 2021, tỷ giá ngoại tệ USD vẫn tăng, tỷ trọng nguồn điện giá rẻ giảm và tăng tỷ trọng nguồn điện giá bán cao... Trước thực trạng trên, lãnh đạo EVN cho rằng, nếu để mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động; có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN thời gian tới. Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng sẽ vô cùng khó khăn.

Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Chính vì vậy, để đóng góp hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu. Bên cạnh đó, là doanh nghiệp đóng vai trò chính trong hoạt động cung cấp điện, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét giao tập đoàn này và các tổng công ty phát điện triển khai các dự án nguồn điện quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. EVN cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, để EVN cũng như các nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án nguồn, lưới điện đảm bảo việc cung ứng điện trong những năm tới.

Tính toán minh bạch, hợp lý

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, 4 năm qua, giá điện được Chính phủ, bộ, ngành và EVN nỗ lực giữ nguyên nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp do dịch Covid-19 và khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá than, dầu tăng cao, EVN lỗ lớn thời gian qua nên thời điểm hiện nay, sẽ khó tránh khỏi việc tăng giá để đảm bảo hoạt động của tập đoàn này.

Ông Trần Đình Long - Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam cho rằng, mức tăng bao nhiêu cho phù hợp sẽ cần tính toán để vừa đảm bảo sức chịu đựng của nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp mà vẫn tránh thua lỗ cho Ngành điện. “Tính toán chi phí sản xuất ra 1kWh điện là bao nhiêu, tăng giảm thế nào so với thời điểm trước đây. Cùng đó, các con số thua lỗ do yếu tố khách quan của ngành điện cần được kiểm toán để đảm bảo khách quan, minh bạch, đúng quyền lợi cho người tiêu dùng…” - ông Long cho biết.

Giá điện tăng sẽ tác động lớn tới đời sống người dân và nhiều ngành sản xuất. Ông Nguyễn Văn Kết - Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD, trụ sở tại quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội cho biết: Doanh nghiệp sản xuất không ai muốn tăng giá điện, bởi sẽ thêm áp lực và giảm sức cạnh tranh. Nhưng qua nhiều thông tin, doanh nghiệp biết rằng sẽ rất khó để giữ nguyên giá điện khi giá nhiều nguồn nguyên liệu sản xuất đều tăng cao. Quan trọng là các cơ quan chức năng, ngành điện tính toán mức tăng hợp lý, minh bạch thông tin để người dân được biết, hiểu và chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, chi phí điện chiếm tỷ lệ nhất định vào giá thành sản xuất. Giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, nhưng mức ảnh hưởng không đáng kể, bởi các doanh nghiệp trong ngành đang thực hiện nhiều giải pháp để tiết giảm lượng điện tiêu thụ với nhà máy thông minh, hợp tác, lắp đặt điện mặt trời để giảm chi phí tiền điện và tiến tới xanh hóa sản xuất.

Mới đây, chia sẻ về mức điều chỉnh cũng như thời gian điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc hết sức đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Võ Hóa