Dấu hiệu bệnh nhân mắc bệnh chân tay miệng.
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 9.000 trường hợp mắc tay chân miệng, 3 bệnh nhân đã tử vong, những tuần gần đây có xu hướng tăng nhanh.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, bao gồm:
Chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.
Chỉ đạo ngành Y tế địa phương chủ động và phối hợp với UBND cấp huyện, Sở, ban, ngành liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện 3 sạch “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống. Tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh tay chân miệng tại tất cả các tuyến, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông, báo đài phối hợp với Ngành Y tế tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng, chống cho cá nhân, cộng đồng, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục đào tạo; đa dạng hóa các hình thức truyền thông tới người dân như họp tổ dân phố, phát trên loa phát thanh phường, xã, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, báo chí, đài truyền hình.
Chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ động phối hợp với Ngành Y tế để tổ chức truyền thông tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về bệnh tay chân miệng và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo các cơ sở giáo dục đào tạo có đủ các phương tiện để thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách, thuận tiện. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục đào tạo, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Chỉ đạo Sở Tài chính trình UBND tỉnh, thành phố quyết định kịp thời cấp, bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch trên địa bàn.
Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra, hỗ trợ địa phương và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Thành An