Về dạy thêm, học thêm: Tính đến ngày 30-9-2013 đã có 87 trường THPT (tỷ lệ 82,08%), 224 trường THCS (tỷ lệ 38,29%) được cấp phép dạy thêm, học thêm trong nhà trường, 37 Trung tâm bồi dưỡng văn hóa được cấp phép dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Tuy vậy còn bộc lộ những tồn tại là: Một số cơ sở giáo dục triển khai việc xin phép dạy thêm, học thêm chưa kịp thời; xếp lớp không phân loại học sinh; chưa kiểm tra và lưu giữ bài soạn của giáo viên dạy thêm; chưa có chương trình dạy thêm cho từng môn; tăng tiết không giải thích cho người học; thu quá mức trần cho phép và chi không đúng tỷ lệ %...

Về thu, chi đầu năm: Gồm các khoản thu là: thu theo quy định, thu ngoài học phí, thu hộ và thu theo thỏa thuận. Các phòng Giáo dục đào tạo quận, huyện đều có hướng dẫn về thu chi, đầu năm tới cơ sở giáo dục và đại diện cha mẹ học sinh, nhưng đến thời điểm kiểm tra phần lớn các đơn vị chưa thông qua từng cha mẹ học sinh các lớp. Nhưng một số trường vẫn dự kiến thu các khoản khác ngoài văn bản quy định của Sở như: Tiền hỗ trợ dạy và học cho giáo dục; tiền vệ sinh lớp, pô tô tài liệu, học tăng cường chất lượng cao; tiền pô tô đề kiểm tra, ôn tập, thi khảo sát K10, vở học sinh… Một số trường dự kiến thu tiền tự nguyện chưa đúng quy trình, chưa báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để phê duyệt, còn dự kiến thu theo hình thức cào bằng như: Mua điều hòa nhiệt độ, mua máy phát điện, mua dù, làm nhà kho, sửa sân trường, thu quỹ Ban đại diện học sinh chưa đúng quy định…

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, đại diện Sở khẳng định: Học sinh tiểu học không phải học thêm. Việc dạy thêm, học thêm đối với học sinh THCS và THPT là hoàn toàn tự nguyện, thày, cô giáo dạy thêm phải được phép của nhà trường, địa điểm dạy và chương trình, bài giảng phải được kiểm tra chu đáo, đủ điều kiện theo quy định. Các thày, cô giáo không được dạy học thêm học sinh của mình. Sở tiếp tục tổ chức kiểm tra để đưa sự nghiệp dạy và học vào nền nếp.

An Hà