Nghị quyết 26-NQ/TƯ về “tam nông” và Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là những quyết sách lớn và tầm nhìn xa của Ðảng và Nhà nước. Ðể phát triển nền nông nghiệp hiện đại gắn kết chặt chẽ với xây dựng NTM thì công tác quy hoạch phải đi trước một bước trên cơ sở tính toán một cách toàn diện sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, vùng miền. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo luồng sinh khí mới, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng sống cho nông dân trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung trong những thập niên đầu của thế kỷ 21.
Từ năm 2011 đến 2013, tổng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, vốn xã hội hóa… tập trung để xây dựng NTM đã lên tới gần 485.000 tỷ đồng, nhiều hộ dân sẵn sàng hiến hàng nghìn mét vuông đất, hàng trăm công lao động để làm NTM. Nhìn một cách tổng thể: Bức tranh nông thôn thay đổi rõ nét, đường làng, ngõ xóm được xây mới…
Có thể thấy rằng, từ chỗ chúng ta chưa định hình được NTM như thế nào, đến nay đã có ít nhất 185 xã đạt đủ tiêu chí về xây dựng NTM tại 27 tỉnh, thành cả nước. Hẳn là con số này chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng, song cũng có thể khẳng định trong bối cảnh nền kinh tế mấy năm qua gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt được như trên là rất đáng ghi nhận. Đã có nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… dành tối đa nguồn lực cho xây dựng NTM theo phương châm “lấy công nghiệp nuôi nông nghiệp, lấy đô thị phát triển nông nghiệp”. Tại TP Hà Nội, Thành ủy đã ra hẳn một Chương trình về “Xây dựng NTM; phát triển nông nghiệp; Từng bước nâng cao đời sống nông dân” (Chương trình 02/CTr-TU). Theo đó, TP đặt mục tiêu xây dựng NTM tại 401 xã của 19 huyện, thị với nhiều chủ trương, chính sách tốt như xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, dồn điền đổi thửa…
Tuy nhiên, cái mà chúng ta thu được lớn nhất trong chương trình xây dựng NTM không phải là sự phát triển của các công trình cơ sở hạ tầng, mà chính là vai trò làm chủ thể của người nông dân ngày càng được nâng lên. Sau khi triển khai Nghị quyết tam nông, Chương trình NTM đã thu hút được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc góp phần căn bản thay đổi nhận thức của mọi người. Sự đột phá của phong trào xây dựng NTM làm thay đổi suy nghĩ của mọi người về nông nghiệp trong xã hội, tạo lên sức sống mới để đi tiếp trên con đường triển khai Nghị quyết về tam nông.
Mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM là 20% số xã đạt NTM vào năm 2015 và 50% số xã vào năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu đó, chắc chắn phải tiếp tục phát huy vai trò làm chủ của người dân ở nông thôn, qua đó Chương trình NTM mới có sức sống bền vững theo đúng chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra là xây dựng một bộ mặt nông thôn văn minh, hiện đại, tiến tới giảm khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và đô thị.
Dương Sơn