Bầu khí quyển sao Hỏa chứa rất nhiều bụi haematite, vì thế mà nó có màu hồng. Nhưng quá trình biến đổi trên vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều nhà khoa học nói rằng nước gây nên hiện tượng oxy hóa. Nhưng một số chuyên gia khẳng định hydrogen peroxide và ozone – những chất được sinh ra khi tia cực tím phá vỡ CO2 và oxy trong bầu khí quyển của sao Hỏa – mới gây nên màu hồng. Giờ đây, Jonathan Merrison, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu các hành tinh của Đại học Aarhus (Đan Mạch) và cộng sự của ông cho rằng thủ phạm có thể là những cơn bão cát. Để mô phỏng sự di chuyển của gió cát, nhóm của Merrison cho các hạt magnetite và thạch anh (loại khoáng chất có cả trên sao Hỏa và trái đất) vào một chiếc chai bẹt chứa khí CO2 rồi đậy nút kín. Họ liên tục lắc chai trong nhiều tháng và nhận thấy nó chuyển sang màu hồng. Magnetite chuyển dần thành haematite và màu hồng ngày càng trở nên đậm hơn. Nhóm nghiên cứu cho rằng sự va chạm liên tục khiến các hạt thạch anh tách khỏi nhau, để lộ ra những bề mặt có hoạt tính cao. Những mặt này oxy hóa các hạt magnetite. Trên sao Hỏa, thạch anh và các hạt haematite có thể va chạm với nhau khi gió và bão thổi chúng lên cao. Có lẽ những cơn gió và bão cần khoảng vài trăm nghìn năm để làm cho hành sao Hỏa chuyển từ màu đen sang màu hồng. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng kết luận của Merrison cần được kiểm chứng bằng nhiều nghiên cứu khác. Theo họ, thạch anh được phát hiện trong nhiều khu vực của sao Hỏa. Nhưng nó là một loại khoáng chất tương đối rắn nên không dễ bị vỡ thành cát bởi gió trên hành tinh đỏ. Mặt khác, các thiết bị thăm dò sao Hỏa của NASA không tìm thấy nhiều thạch anh trong những chuyến thám hiểm. Hoàng Linh (TH)