Sáu năm giằng co, cả Mỹ và Nga đều thiệt hại nặng, theo ước tính mỗi nước tiêu tốn khoảng hơn 500 triệu USD...
Nếu nghe thông tin chưa đầy đủ, hay hiểu một cách đại khái thì tưởng rằng cả Nga và Mỹ can thiệp vào Syria vì “muốn cho đất nước này khỏi bị loạn” (quan điểm của Nga); hay “xóa chế độ hà khắc của Tổng thống Assad để người dân được tự do và hạnh phúc” (quan điểm của Mỹ). Cứ cho là thế đi thì lý do để can thiệp vào Syria của hai nước cũng khác nhau. Khác nhau đến trái ngược.
Vì sao?
Trước hết, Syria “bị một lời nguyền địa lý” khi nằm ở vị trí địa chính trị trọng yếu cửa ngõ của khu vực Trung Đông nối với châu Âu; lại tiếp giáp với 5 quốc gia vừa có nhiều tài nguyên “vàng đen”, vừa là những nước trọng yếu của Trung Đông như: Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Iraq, Jordan và Li-băng. Mà 5 quốc gia này từ trước tới nay chưa bao giờ đoàn kết, do mỗi nước có những toan tính riêng trong quyền lợi dầu mỏ và xung đột ý thức hệ tôn giáo, làm cho Syria khó trong quan hệ để được hài long tất cả các bên. Mà để duy trì thế độc tôn và kiểm soát đường đi của nguồn dầu mỏ của khu vực Trung Đông này nước nào cũng phải cần người đứng đâu của quốc gia Syria biết nghe mình. Điển hình như hiện nay, Tổng thống Assad không nghe Mỹ đã làm cản trở “việc đi lại” không chỉ của Mỹ mà cả những nước thân Mỹ.
Có một sự kiện liên quan mà không thể không đề cập tới. Đó là năm 2011 Chính phủ Iran đã đề nghị 2 quốc gia là Iraq và Syria kí kết hiệp định chung giữa 3 nước để xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ mỏ khí lớn nhất thế giới South Pars của Iran đi qua Iraq và Syria dẫn vào châu Âu.
Đường ống mới được hai nước Iraq và Syria ký kết, thì ngay lập tức cuộc chiến ở Syria xảy ra.
Mỹ đề xuất xây dựng đường ống dẫn khí đốt khác, đi từ Qatar qua Ả-rập Xê-Út, Syria, Thổ Nhĩ Kỹ sang châu Âu. Thế là cả hai ý tưởng xây dựng đường ống đều còn nằm trên giấy. Tất nhiên không phải do thiếu tiền bạc, mà là do ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế giữa các nước, giữa các “phe phái”.
Đối với Nga thì Syria có một vị trí đặc biệt quan trọng, mang tính sống còn.
Chỉ cần nhìn trên bản đồ, ai cũng thấy để xuống phía nam biển Địa Trung Hải, nước Nga chỉ có 2 con đường, hoặc là qua eo biển chật hẹp Bosphorus do Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO) kiểm soát, hoặc qua cảng Tartus rộng lớn của Syria nằm ngay cửa ngõ biển Địa Trung Hải.
Tuyến đường ra biển tiến xuống phía nam này của Nga không chỉ mang ý nghĩa về mặt quân sự - nơi Nga đang đặt Hạm đội Biển Đen, mà còn có ý nghĩa cả về kinh tế, vì đó là con đường vận chuyển dầu mỏ từ Nga đi các nước thuận tiện nhất.
Do nhận thức được tầm quan trọng của cảng Tartus nên từ lâu Nga đã xây dựng quân cảng tại khu vực này. Hiện nay cảng Tartus là nơi bảo trì, bảo dưỡng và tập trung các tàu chiến lớn của Nga...
Qua vài ý chính được trình bày ở trên, chúng ta có thể thấy cuộc chiến Syria không đơn giản chỉ là nội chiến giữa phe chống đối và phe thân Chính phủ. Mà hơn thế, nó là một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm của vô số các quốc gia trong khu vực có lợi ích kinh tế, chính trị gắn chặt vào tình hình chính trị của Syria.
Cũng bởi sự phức tạp và rắc rối này mà cuộc chiến ở Syria sẽ không dễ dàng kết thúc. Mọi cuộc đàm phàn do Liên Hợp Quốc hay tổ chức này, tổ chức kia đứng ra bảo lãnh đều chưa đủ sức nặng. Mọi tiếng kêu khóc của dân thường Syria đang ngày ngày hứng chịu bom rơi đạn lạc cũng sẽ chỉ đi vào hư không, nếu như các “ông lớn” như Nga và Mỹ không nhường nhịn nhau.
Phương Nga