Ngày 5-3-1947 - những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, một cánh quân Pháp, có xe tăng dẫn đầu, tiến ra vùng Chùa Trầm (Sơn Tây). Chúng vừa đi, vừa nghênh ngang nã đại bác uỳnh oàng vào các luỹ tre làng, nơi chúng nghi chỉ có mấy người lính "chân đất", với mấy khẩu súng khai hậu "tắc bọp" ẩn náu chống lại chúng. Tới một chân đồi rậm rạp, chiếc xe tăng đầu tiên của địch vừa bò lên, thì một tiếng "oành" chụp xuống, chiếc xe tăng bốc cháy rừng rực. Bọn địch còn đang ngơ ngác, thì tiếng nổ thứ 2 lật nhào chiếc xe tăng đi sau. Bấy giờ, bọn địch mới hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chúng hốt hoảng hò nhau tháo chạy...

Trở về căn cứ, bọn chỉ huy vẫn chưa hết kinh hoàng, chúng báo cáo lên trên là "Việt Minh có vũ khí mới khủng khiếp lắm". Lập tức, Tổng tư lệnh quân đội Pháp cho điều tra ngay xem nước nào đã cung cấp cho Việt Minh loại súng lợi hại này, và nhận được lời giải đáp từ dân gian: Súng của ông "bác học" Trần Đại Nghĩa! Phòng nhì Pháp lại hấp tấp tìm lại danh sách số trí thức đã rời bỏ "nước mẹ Pháp" theo Hồ Chí Minh về Việt Nam khi Người sang dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (14-9-1946), cũng không thấy có ai tên Trần Đại Nghĩa, chúng càng bối rối, hoang mang...

Địch đâu biết được: Trần Đại Nghĩa là tên Bác Hồ đặt cho Phạm Quang Lễ - một kỹ sư trẻ của xưởng chế tạo máy bay của Pháp, được Bác Hồ cảm hoá, đã từ bỏ mức lương 22 lạng vàng một tháng, để xin về nước "Kiến thiết quốc gia". Tới Việt Nam, Bác đổi tên mới cho ông, và chỉ định ngay làm Cục trưởng Cục Quân giới, với nhiệm vụ sản xuất vũ khí đánh giặc. Chính Trần Đại Nghĩa (tức Lễ) đã chỉ huy một tổ nghiên cứu, chế tạo và trực tiếp nhồi lắp 10 quả đạn cho loại súng mới ba - dô - ca này, và những quả đạn đầu tiên ấy đã lập nên chiến công trên. Chỉ hơn một năm sau - ngày 25-1-1948, Trần Đại Nghĩa đã được phong hàm thiếu tướng, và tháng 5-1952, ông lại được tuyên dương là Anh hùng lao động.

Thục Hương